Thông tin được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 4/5. Theo ông, kinh tế vĩ mô 4 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng tích cực, đạt mục tiêu đề ra.
"Các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam", ông nói, thêm rằng riêng tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới từ đầu năm đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%.
Theo Bộ trưởng, các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo đang thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu.
Nội dung này cũng được ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - đề cập tại lễ khai giảng Chương trình phát triển nhân tài công nghệ cao (SIC) hôm qua. Theo ông Choi, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, được thể hiện rõ nét hơn trên các phương diện chính trị, nhân lực, cơ sở hạ tầng và ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý trên toàn thế giới.
Đặc biệt, tầm quan trọng của Việt Nam trong ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao được kỳ vọng trở nên nổi bật hơn nữa. "Các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam", ông Choi nói.
Ngoài thu hút đầu tư nước ngoài, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 4 tháng đầu năm, một trong những điểm sáng của nền kinh tế là sản xuất, kinh doanh tiếp tục tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 0,8% so với tháng 3 và tăng 6,3% so với cùng kỳ 2023. Tính chung bốn tháng đầu năm, IIP tăng 6%, cải thiện đáng kể so với mức giảm 2,5% trong cùng giai đoạn 2023. Số lao động làm việc trong ngành tại thời điểm 1/4 mở rộng 3,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Như vậy, sản xuất công nghiệp nhìn chung duy trì đà phục hồi trong một năm qua, không kể tháng 2 suy giảm do rơi vào Tết Nguyên đán 2024 và tháng 1 tăng đột biến do mức nền so sánh thấp (tháng 1/2023 rơi vào Tết Nguyên đán 2023 và đồng thời cũng là giai đoạn sản xuất chậm lại).
Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường gần 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong khi, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 doanh nghiệp, giảm 5,3%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
Theo ông, giải pháp đặt ra là các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục cải cách hành chính, môi trường đầu tư, làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng đó, các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải khai thác tối đa.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Cùng đó, ông đề nghị Bộ Tài chính trong tháng này trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, cần cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, đẩy tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Ông lưu ý bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Bộ Công Thương được giao sớm hoàn thiện cơ chế về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng lớn, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trên tinh thần "tạo động lực, không lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm".
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng 3,93%, sức ép về kiểm soát lạm phát vẫn còn. Thủ tướng nhắc lại quan điểm điều hành giá cả "không giật cục". Theo đó, cơ quan quản lý giá phải có lộ trình, không tăng giá đột ngột, tăng nhiều mặt hàng cùng lúc và vào thời điểm tăng lương.
Phương Dung