Nội dung trên được các chuyên gia đề cập tại một hội thảo ở TP HCM ngày 23/4. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dẫn các nghiên cứu cho biết, giá trị thương mại điện tử xuyên biên giới B2C (doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng) toàn cầu năm 2020 ước khoảng 994 tỷ USD, tăng 20,3%. Con số này dự báo đạt 1.250 tỷ USD năm nay, tăng 25,7%.
Thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp bán hàng cho nhau) xuyên biên giới cũng đang rất sôi động. Theo ghi nhận trên Alibaba, một năm trở lại đây, lượng người mua mới tăng 101%, trong khi lượng nhà cung cấp mới cũng tăng 15%. Trong đó, hiện đã có hơn 600.000 mặt hàng của các nhà cung cấp Việt Nam được đăng bán trên nền tảng và hơn 50.000 lượng người hỏi đặt hàng trong vòng 30 ngày.
Những mặt hàng nổi bật của các nhà bán hàng Việt Nam trên nền tảng này bao gồm: thực phẩm và đồ uống; vật dụng nhà cửa và sân vườn; mỹ phẩm, nông sản..."Trong đại dịch vừa qua, đồ trang trí nhà cửa trở thành hàng 'hot' trên toàn cầu", ông Dũng bình luận.
Thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đặt ra một số vấn đề cần lưu tâm. Ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý 3 rủi ro khi giao dịch qua sàn thương mại điện tử.
Thứ nhất, với sàn giao dịch: gặp thách thức trong việc kiểm tra, giám sát đối chiếu thông tin từ nhà cung cấp; kiểm soát chất lượng hàng hoá.
Thứ hai, với nhà cung cấp: không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hoá khi sàn cung cấp hàng hoá cho người tiêu dùng; vấn đề thanh toán, quảng cáo, khuyến mại; khả năng liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hoá sai sót, lỗi trong quá trình giao dịch giữa sàn và người tiêu dùng.
Thứ ba, với người tiêu dùng: nguy cơ lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng; rủi ro trong vấn đề thanh toán; thiếu hoặc không có thông tin chính xác về người cung cấp, doanh nghiệp cung cấp hàng hoá; việc giao nhận, huỷ đơn hàng không đúng theo cam kết ban đầu.
Ông Phan Trọng Đạt cho biết, khi các tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp có thể chọn giải quyết theo các cấp độ từ thương lượng, hòa giải đến dùng cơ quan trọng tài hoặc tòa án. Tuy nhiên, phát sinh tranh chấp trên sàn nên ưu tiên chọn phương pháp hòa giải vì sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, duy trì được quan hệ hợp tác, bảo mật thông tin và tỷ lệ tự nguyện thi hành kết quả hòa giải gần 90%.
"Chúng tôi khuyến khích chọn giải pháp hoà giải vì nội dung do chính hai bên viết ra và không cần đến thi hành án", ông Đạt nói.
Các chuyên gia tại hội thảo lưu ý thêm, trong bối cảnh các doanh nghiệp giao tiếp trực tuyến với nhau, ngoài cảnh giác về rủi ro an ninh mạng như rò rỉ thông tin thì cần cẩn trọng các hành vi lừa đảo qua email, vốn đã xuất hiện hàng thập niên qua nhưng vẫn chưa cũ.
"Doanh nghiệp nên lưu ý đuôi email của đối tác và điều tra tên website, tên miền công ty đối tác để nhận diện nguy cơ lừa đảo qua hình thức này. Ngoài ra, trong bối cảnh giao dịch thời kinh tế số phát triển, doanh nghiệp nên có cán bộ pháp chế và thuê ngoài đội ngũ luật sư am hiểu về giao dịch điện tử khi cần thiết", ông Đạt khuyến nghị.
Viễn Thông