Mỗi buổi sáng, Adulwitch Tangsupmanee, 42 tuổi, đẩy chiếc xe thịt quay và nước dùng tới một rạp phim cũ kỹ ở khu Chinatown, Bangkok rồi bày biện bàn ghế. Quán vốn do cha anh mở 50 năm trước cho đến khi ông mất vì Covid-19 tháng 7 vừa rồi.
Trong lúc nồi nước dùng nấu với thịt heo thơm lừng bốc hơi nghi ngút, Adulwitch cẩn thận đặt khung ảnh của người cha quá cố, Chanchai, lên trên tủ kính trong quán cùng chứng nhận gợi ý điểm ăn uống của Michelin Guide năm 2018 đến 2021.
"Tôi chuẩn bị nước dùng cho ông khi cha còn làm ở quán, giờ tôi vẫn làm việc của mình, dù cha đã mất. Tôi vẫn cảm thấy ông dõi theo mình", Adulwitch chia sẻ.
Được biết tới với tên thân mật là "Anh lớn Ouan", ông Chanchai đã đứng sau quầy hàng bán Guay Jub (mì gạo ăn kèm thịt quay) hàng chục năm qua cho tới khi mất ở tuổi 73. Theo Reuters, ông là một trong ít nhất 7 đầu bếp đường phố nổi tiếng ở Bangkok đã qua đời vì đại dịch những tháng gần đây.
Những người như ông Chanchan đã để lại một di sản ẩm thực giàu hương vị cho con cháu. Và chính thế hệ sau của họ cũng mong muốn kế tiếp truyền thống nhiều thập niên qua để hướng tới xây dựng Bangkok thành "thánh địa" ẩm thực đường phố của thế giới.
Bangkok chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại vào 1/11, Adulwitch hy vọng các thực khách vẫn tìm đến và xếp hàng chờ ăn món mì của cha anh, đồng thời giúp anh vơi đi nỗi buồn đau vì mất người thân. Adulwitch bày tỏ quyết tâm giữa lại tâm huyết của cha. "Cha tôi yêu quý quán ăn này nhất, và tôi cũng yêu quý ông nhất, tôi phải giữ lại nó dù gì đi nữa".
Trong khi con cháu ông Chanchan không ngần ngại tiếp quản quán của ông, thì con cháu bà Ladda Saetang chưa biết nên đóng hay làm tiếp quán vịt quay của gia đình khi bà mất hồi tháng 5. Ladda, 66 tuổi, là một phụ nữ luôn nở nụ cười nên được gọi với tên thân mật "Bà Si". Bà mở quầy vịt quay nhỏ cách hàng của ông Chanchan chỉ 650 m.
Sau khi thảo luận thì con gái bà là Sarisa quyết định học các kỹ năng quay vịt để tiếp tục công việc của mẹ. "Tôi không muốn công thức nấu ăn của bà mất đi. Đó là tài sản cả đời của bà. Tôi rất vui nếu thực khách vẫn thưởng thức và nhận ra hương vị cũ. Một số người khuyên tôi đừng bỏ bán vì họ không thể tìm được nơi nào có món vịt ngon giống thế".
Từ trước đại dịch, những người bán đồ ăn đường phố ở Bangkok đã phải chịu áp lực lớn khi thành phố ra các quy định "dọn dẹp" vỉa hè trong những năm gần đây, cùng lúc đó các nhà hàng cao cấp mọc lên khắp nơi.
Yentafo (mì hồng), cơm ăn kèm chân giò hầm, hay Guay Jub... đều là những món ăn đường phố do thế hệ thứ nhất và thứ hai của dân nhập cư Trung Quốc bán. Cách kinh doanh theo hộ gia đình và mỗi hàng chỉ chuyên một món ngon nhất của họ đã dần mất đi.
Chawadee Nualkhair, tác giả hai cuốn sách về ẩm thực đường phố Thái Lan, chia sẻ: "Hệ quả ban đầu của tình hình này là thực khách sẽ ít lựa chọn hơn. Và sâu xa hơn, những nơi này dần mất đi thì mọi người sẽ không còn thấy cảnh thực khách dù giàu hay nghèo đều xếp hàng chỉ để thưởng thức một tô mì hay một đĩa cơm cà ri".