Chiều 27/7, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho hay đơn vị đầu tiên trên địa bàn phát "phiếu kiểm soát đi lại" cho người dân từ giữa tháng 7, và đến nay đã có 14 trong tổng số 15 phường của thị xã đã áp dụng hình thức trên. Một số xã ở Sơn Tây cũng đang nghiên cứu để làm theo.
"Chiều nay chúng tôi họp để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thị xã sao cho nhất quán", Phó chủ tịch Sơn Tây nói.
"Phiếu kiểm soát đi lại" của các phường ở Sơn Tây đều ghi thời hạn sử dụng vào ngày 7/8 (ngày Hà Nội dự kiến kết thúc giãn cách xã hội).
Thị xã Sơn Tây hiện ghi nhận 7 ca dương tính với Covid-19. Chính quyền đã ban hành 5 quyết định thành lập vùng cách ly y tế đối với hộ gia đình, khu phố có ca dương tính, đang rà soát các trường hợp F1, F2.
Toàn thị xã đã thành lập 124 chốt kiểm soát tại các thôn, tổ dân phố với gần 840 người tham gia; duy trì hoạt động hiệu quả của 103 tổ, 600 nhóm Covid-19 cộng đồng chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, tuyên truyền phòng chống dịch tới gần 37.000 hộ gia đình.
Tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, từ tối 26/7, chính quyền cũng bắt đầu tổ chức phát 2.500 phiếu cho các hộ dân thuộc 8 tổ dân phố trên địa bàn. Mỗi người (gia đình) chỉ được ra ngoài một lần trong ngày, để mua nhu yếu phẩm thiết yếu. Lực lượng chức năng ở 4 chốt trên địa bàn kiểm tra phiếu cũng như lý do đi ra ngoài của người dân.
Ông Cấn Văn Duẩn, Chủ tịch UBND phường Đức Thắng, nói người dân ra đường cần có "phiếu kiểm soát đi lại" và giấy chỉ có tác dụng trên địa bàn phường. Với những người làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp được hoạt động trong thời gian giãn cách, các đơn vị này phải đăng ký lịch làm việc, danh sách, số điện thoại nhân viên với chính quyền địa phương. Sau đó cơ quan, doanh nghiệp sẽ cấp cho cán bộ, nhân viên một giấy đi đường để phục kiểm tra ở chốt.
Hiện quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 30 ca dương tính với Covid-19.
Trước việc chính quyền địa phương áp dụng "phiếu kiểm soát đi lại", ông Phùng Tài, phường Trung Hưng, Thị xã Sơn Tây, cho hay "gia đình tôi có sáu người, từ khi được phát phiếu, chỉ con dâu dùng ra ngoài đi chợ mua thực phẩm".
"Tôi và bà nhà tôi ngày thường vẫn hay đi thể dục, giờ chỉ loanh quanh trong nhà cũng bức bối. Nhưng quy định của chính quyền thì phải chấp hành để chống dịch", ông Tài chia sẻ.
Ngày đầu sử dụng phiếu ra đường, chị Vũ Thị Nga, 39 tuổi, bán cửa hàng tạp hóa ở phường Đức Thắng, cho hay khách đến mua vắng hơn so với hôm qua. "Tôi thấy việc kiểm soát thế này có phần khắt khe nhưng giảm được số người ra đường, an toàn phòng dịch tốt hơn", chị Nga nói.
Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Chính quyền yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Trường hợp người dân khi di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế.
Tính từ 29/4 đến nay (đợt dịch thứ tư), Hà Nội ghi nhận 849 ca bệnh, trong đó có 521 ca mắc ngoài cộng đồng, số ca mắc là trường hợp đã được cách ly là 328.
Võ Hải - Tất Định