Làm việc với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ngày 11/7, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết từ ngày 27/4 đến nay tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.500 ca Covid-19, 2 trường hợp tử vong. Dịch xuất hiện ở 45 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Bình Dương tổ chức gần 600 đội lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 150 đội là cán bộ, sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện. Với lượng nhân lực trên, năng lực lấy mẫu của tỉnh có thể đạt trên 100.000 dân/ngày. Tỉnh đang vận động thêm và tập huấn cho lực lượng đoàn viên thanh niên, năng lực lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều hơn.
Tỉnh đang có 12 máy xét nghiệm RT-PCR, trong đó Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) 5 máy, còn lại ở các Trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, một đơn vị tư nhân đang hợp tác xét nghiệm với tỉnh, cam kết trả kết quả trong vòng 20 giờ. Mỗi ngày, khoảng 5.000 mẫu đơn được xét nghiệm, trên toàn tỉnh, tương đương 50.000 mẫu gộp, và 45.000 test nhanh.
Hiện nay, vật tư y tế cho việc lấy mẫu xét nghiệm sắp hết. Sở Y tế đang huy động hơn 200 tỷ đồng để mua sắm vật tư thiết bị y tế đảm bảo cho chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng sắp tới.
Theo ông Chương, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác tổ chức lấy mẫu. Cụ thể, những ngày vừa qua, tỉnh gặp một số trục trặc do việc bố trí phương tiện, phân công chưa hợp lý, lúng túng khi lập danh sách lấy mẫu. Tuy nhiên đến nay các khó khăn cơ bản đã khắc phục được.
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, nhận định "trong cộng đồng Bình Dương nhiều ổ dịch đang âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng". Các ca nhiễm liên tục được phát hiện thông qua quá trình điều tra dịch tễ, nhiều người lao động trong các khu công nghiệp được phát hiện mắc Covid-19 khi đến khám tại các cơ sở y tế.
"Năng lực RT-PCR của tỉnh còn rất hạn chế, cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm, đặc biệt là test nhanh. Mua sắm tối thiểu 500.000 test nhanh, thậm chí nhiều hơn để gối đầu cho những đợt lấy mẫu xét nghiệm sau", ông Nam nói.
Ông Nam cho rằng chính quyền cấp xã phường cần tham gia tích cực trong tổ chức phân luồng, đảm bảo khoảng cách tại các điểm lấy mẫu, tránh ùn tắc trong quá trình lấy mẫu. Kế hoạch lấy mẫu trong cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cần cụ thể, không bố trí lấy mẫu tập trung với quy mô nhiều công ty mà bố trí tại từng công ty, từng phân xưởng để đảm bảo khoảng cách.
Về chiến lược xét nghiệm, giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay số lượng mẫu tại Bình Dương quá lớn trong khi năng lực xét nghiệm hạn chế thì khó đảm bảo khả năng trả kết quả trong 24 giờ. Do đó, tỉnh cần cân đối số lượng mẫu, mẫu lấy cần có tập trung, trọng điểm ở những khu vực nguy cơ cao.
Bà Mai cho rằng trong giai đoạn hiện nay, chiến lược phối hợp giữa test nhanh và PCR sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác truy vết. Do đó, tỉnh cần ưu tiên thực hiện test nhanh, cho kết quả sớm, kịp thời nhận diện những mẫu có nguy cơ và xét nghiệm lại khẳng định bằng PCR.
"Bình Dương có quá nhiều cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, về sau có thể thực hiện tự chiến lược xét nghiệm bằng test nhanh định kỳ ở mỗi đơn vị", bà Mai gợi ý. Song, để làm được, ngành y tế cần có kế hoạch tập huấn cho nhân sự từng đơn vị, khi ấy sẽ đảm bảo truy vết nhanh, đủ độ tin cậy, hiệu quả và tiết kiệm.