Theo điều tra dịch tễ, người này hai hôm trước đến Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng xét nghiệm Covid-19 để lấy giấy xác nhận chuẩn bị đi làm, cùng thời điểm với tài xế mắc Covid-19 nên được xác định là F1.
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng về điều kiện để cách ly F1 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế như: phòng riêng, camera, nhà vệ sinh, khu vực ăn uống..., UBND huyện Bàu Bàng quyết định cho phép người này cách ly tại nhà 28 ngày dưới sự theo dõi và giám sát chặt chẽ của địa phương.
Địa điểm cách ly là hai nhà cấp bốn liền kề, F1 ở tách biệt một nhà, vợ con ông ở căn còn lại. Cán bộ y tế sẽ đến kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm 5 lần vào các ngày thứ nhất, thứ 7, 14, 20 và ngày cuối cùng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, người này sẽ được đưa đến cơ sở điều trị.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng nhận định, việc triển khai cách ly F1 tại nhà rất phù hợp với tình hình dịch đang bùng phát như hiện nay. Với sự phối hợp tốt của gia đình, tạo mọi điều kiện hỗ trợ, bản thân F1 cũng cảm thấy thoải mái hơn khi cách ly tại nhà.
"Khi cách ly tại nhà phải treo bảng địa điểm cách ly phòng chống dịch sẽ tạo tâm lý hoang mang cho người xung quanh, tạo sự mặc cảm cho gia đình. Vì vậy trước khi tiến hành, chúng tôi đã trao đổi với người nhà, chính quyền địa phương để cùng phối hợp tạo ra sự thuận lợi cho gia đình và người cách ly", bác sĩ Chín nói.
Bộ Y tế đang thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà ở TP HCM, sau khi có đánh giá sơ bộ kết quả sẽ đề xuất cho triển khai toàn quốc. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh đang lây lan mạnh ở Bình Dương và Đồng Nai, trong chuyến kiểm tra hai địa phường này vừa qua, Thủ tướng cho phép hai tỉnh này thí điểm cách ly F1 để tránh lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.
UBND Bình Dương đã chỉ đạo mỗi địa phương (tỉnh có 4 huyện, 2 thị xã, 3 thành phố) trong tỉnh triển khai thí điểm một trường hợp F1 cách ly tại nhà. Sau quá trình thực hiện, nếu đáp ứng được các điều kiện về phòng dịch, tỉnh sẽ nhân rộng.
Theo Sở Y tế Bình Dương, tỉnh hiện có 25 cơ sở cách ly tập trung, với 7.500 giường. Số người cách ly tập trung hiện nay hơn 3.000 người.
Ngày 1/7, tỉnh sẽ đưa bệnh viện dã chiến với quy mô 200 giường vào hoạt động. Đồng thời ngành y tế cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét thành lập thêm các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tuyến huyện với tổng quy mô 1.300 giường bệnh.
Đến chiều 30/6, Bình Dương ghi nhận 407 ca nhiễm, chủ yếu ở các công ty nhà máy và khu trọ tập trung nhiều công nhân. Đây là tỉnh xuất hiện ca nhiễm lớn thứ hai ở phía Nam, sau TP HCM 3.840 ca.
Phó giáo sư Lê Thành Đồng, Viện trưởng Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, thuộc Bộ Y tế, cho biết ngành y tế địa phương và các chuyên gia từ Bộ Y tế nhận định số ca Covid-19 hiện nay ở Bình Dương tăng nhanh.
Công tác phòng chống, dập dịch ở Bình Dương gặp khó khăn do tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp, nhiều khu nhà trọ với số lượng người lao động từ khắp nơi trên cả nước tới. "Nếu không kịp thời kiểm soát, truy vết, cách ly, khoanh vùng, thì dịch sẽ bùng phát rất nhanh và công tác phòng chống, dập dịch gặp khó khăn", phó giáo sư Đồng nói.
Phước Tuấn