Ba Lan ngay lập tức từ chối cấp quyền tị nạn cho Snowden trong khi bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ cho biết "chúng tôi đã kết luận rằng chúng tôi không có lý do gì để chấp nhận yêu cầu". Hà Lan cũng nói không, AFP cho hay.
Người phát ngôn của tổng thống Nga cho hay Snowden đã tự hủy đơn xin tị nạn tại Nga, nơi ông bị kẹt lại từ ngày 23/6 đến nay, sau khi Nga yêu cầu ông ngừng những hành động gây tổn hại cho Mỹ.
Trang web chủ trương bảo vệ quyền minh bạch thông tin WikiLeaks, nơi giúp đỡ Snowden thực hiện các thủ tục, cho biết cựu nhân viên của nhà thầu thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã gửi đơn tị nạn đến 13 nước châu Âu, 6 nước Mỹ Latin và hai nước châu Á.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không có thông tin về đơn xin tị nạn của Snowden. "Tôi có biết tin về đơn xin tị nạn của ông ấy gửi đến một số nước, nhưng tôi không có thông tin gì", bà Hoa Xuân Doanh nói.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu gồm Áo, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Tây Ban Nha xác nhận đã nhận được đơn xin tị nạn của Snowden tuy nhiên đơn này là không có giá trị vì được gửi đi từ bên ngoài lãnh thổ của họ. Ireland cũng cho biết không thể chấp nhận đơn xin tị nạn được đưa đến theo cách này.
Italy thì cho biết họ đang "đánh giá" yêu cầu "bất thường" này vì đơn không được chủ nhân trực tiếp đem nộp. Đại diện Đức nói yêu cầu của Snowden cần được xem xét "theo luật", trong khi Pháp và Thụy Sĩ nói chưa nhận được đơn.
Tuy nhiên, Tổng thống theo phe cánh tả của Bolivia Evo Morales bày tỏ sẵn sàng xem xét cấp quyền tị nạn cho Snowden. "Nếu được đề nghị, chúng tôi sẽ sẵn sàng thảo luận và xem xét vấn đề", ông Morales trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Nga RT. Trong khi đó tổng thống Venezuela cho rằng Snowden cần "sự bảo vệ của thế giới".
Hôm qua, Snowden lần đầu lên tiếng kể từ khi đến Moscow, cho biết sẵn sàng tiếp tục tiết lộ những chi tiết mới về chương trình gián điệp của chính phủ Mỹ. Snowden cũng ca ngợi Ecuador là "tấm gương của thế giới" đồng thời chỉ trích việc chính quyền Mỹ tước bỏ hộ chiếu của ông và gây sức ép đối với các nước mà ông xin tị nạn chính trị.
Vũ Hà