Khi Edward Snowden bước vào tuần thứ hai bị “bỏ rơi” ở sân bay Moscow, có vẻ như quyết định của anh tới Nga mang nhiều rủi ro hơn lúc ban đầu ở Hong Kong.
Snowden đã hy vọng sẽ tỵ nạn ở Ecuador, nhưng dường như lựa chọn này không khả thi nữa. Tổng thống Ecuador Rafael Correa hôm chủ nhật đã lùi thêm một bước trong mức độ ủng hộ đối với Snowden. Ông nói rằng “các cơ quan chức năng của Nga sẽ quyết định việc Snowden có thể tới sứ quán Ecuador ở Moscow để tìm kiếm nơi trú ẩn hay không”.
Tình trạng lỡ dở của Snowden là hệ quả của hàng loạt các quyết định nhanh chóng của anh trong 24h cuối cùng ở Hong Kong, khi anh đấu tranh với việc ở lại đó hay kiếm tìm nơi trú ẩn khác.
Theo những người thân cận với việc này, Snowden ban đầu muốn ở Hong Kong và gây dựng sự ủng hộ của công chúng ở đó bằng cách cung cấp cho tờ báo địa phương thông tin về các hoạt động hack của Mỹ. Nhóm hỗ trợ pháp lý của Snowden tại Hong Kong, bao gồm cả nhà lập pháp phe đối lập Albert Ho, đã chuẩn bị cho một hành trình đấu tranh lâu dài.
Ít nhất một phần trong nhóm hỗ trợ pháp lý của Snowden tin rằng, Hong Kong là sự lựa chọn tốt nhất để bảo vệ an toàn và các lợi ích cho thân chủ của họ, một trong những người thân cận với vụ việc cho biết. Nhưng Snowden lại nhận được tin nhắn khác từ Wikileaks.
Hôm 12/6, Snowden thông qua trung gian đã hỏi tổ chức minh bạch này giúp anh tìm nơi trú ẩn ở Iceland, WikiLeaks cho biết ngày 19/6. Sau một ngày Snowden tiếp cận, Wikileaks đề nghị các chính phủ khác xem xét khả năng tị nạn cho Snowden.
“Anh ta rõ ràng chọn cách tới Moscow, mặc dù tôi không biết vì sao. Nếu là tôi thì tôi sẽ không làm thế”, Patricia Ho, đến từ công ty luật Hong Kong mang tên Daly & Associates cho biết. Bà này không dính líu gì đến vụ việc. Bà đánh giá rằng Snowden khi đó vẫn có nhiều lựa chọn trước khi rời Hong Kong, hoặc xin tị nạn chống lại yêu cầu dẫn độ của Mỹ thông qua hệ thống luật pháp vững chắc và phức tạp của đặc khu.
Kế hoạch trốn chạy của Snowden đã bị chặn khi anh ta kẹt ở khu vực quá cảnh của sân bay Moscow.
Snowden đến Moscow cách đây một tuần để sau đó tìm đường tới Ecuador “qua Nga và các nước khác”, theo WikiLeaks. Khoảng hai ngày sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối yêu cầu của Mỹ trục xuất Snowden và thúc giục Snowden tiếp tục con đường đi của anh ta. Snowden bị kẹt lại tại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo vì hộ chiếu hợp lệ Mỹ đã bị hủy. Anh cũng không có visa của Nga và đối mặt với một con đường ngày càng trở nên vô định.
Chặn các nẻo đường
Chính quyền của ông Obama đã hành động một cách có hệ thống nhằm loại bỏ các lựa chọn tị nạn của Snowden kể từ khi anh này rời Hong Kong.
Mỹ tập trung gây áp lực liên tiếp tới Moscow với lập luận là nếu Nga không hợp tác tốt trong vấn đề Snowden, thì triển vọng hợp tác Nga - Mỹ trong các vấn đề khác như Syria cũng có thể bị hủy hoại.
Với Ecuador, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Quito rằng hợp tác kinh tế với Mỹ có thể sụt giảm nếu Snowden được đồng ý cho tỵ nạn. Đất nước châu Mỹ Latinh này có nền kinh tế dựa vào đồng USD và sự phụ thuộc vào Mỹ chiếm đến 40% xuất khẩu. Dầu thô chiếm đến 80% trong lượng xuất của Ecuador tới Mỹ, nước này cũng xuất một lượng đáng kể cá và hải sản, chuối và hoa tới Mỹ.
Chính quyền Obama đã tận dụng sự giận dữ của Quốc hội với Snowden để gây áp lực với tổng thống Ecuador Correa. Các quan chức Nhà Trắng từ chối thảo luận chi tiết về cuộc điện đàm giữa phó Tổng thống Biden với ông Correa. Nhưng các quan chức Mỹ cho biết, đe dọa về hành động của Quốc hội chống lại Quito tiếp tục được chính quyền dùng để đạt được hợp tác của ông Correa. Họ nói họ sẽ tiếp tục tin rằng lãnh đạo Ecuador đã lo lắng về tổn thất kinh tế với nước này.
Người thương thuyết của Mỹ trong việc thương lượng với Nga về Snowden là thứ trưởng Ngoại giao William Burns. Ông Burns là cựu đại sứ Mỹ tại Moscow, người thường làm việc với Nga về các vấn đề từ các sáng kiến hòa bình ở Trung Đông tới các vấn đề của người Hồi giáo ở vùng Kavkaz.Ông Burns cũng hợp tác sâu sắc với Nga khi ông làm người đàm phán của Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran.
Ông Burns và Ngoại trưởng John Kerry đã hợp tác để gửi thông điệp tới Moscow rằng Nga không thể trông đợi sự ủng hộ tương xứng về chống khủng bố và các vấn đề thúc ép thực thi pháp luật nếu không có sự hợp tác về Snowden. Ông Kerry đặc biệt lưu ý trong hội đàm với các quan chức Nga, gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov, rằng hơn hai năm qua, Mỹ đã dẫn độ 7 người bị truy nã tới Moscow.
Trở lại Hong Kong?
Một nhân tố khiến Snowden rời khỏi Hong Kong, là lo ngại nguy cơ bị tống giam nếu bị giao nộp cho Mỹ. Trong tù, anh có thể không được quyền truy cập Internet, “Tôi không nghĩ anh ta lo bị bắt vào tù, mà anh ta lo không truy cập được Internet”, một người hiểu biết việc của Snowden nói.
Hiện không rõ Snowden có truy cập được Internet tại sân bay Moscow hay không, nhưng những người khác ở khu vực quá cảnh vẫn có thể truy cập vào web và các phương tiện truyền thông khác.
Các luật sư ở Hong Kong nói một trong những lựa chọn tốt nhất của Snowden là trở về đặc khu hành chính này và trình đơn xin tị nạn lên chính quyền đặc khu, hoặc lên Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).
Một khả năng khác dành cho Snowden là nếu Trung Quốc ra tay can thiệp để anh này không bị giao nộp bằng cách sử dụng quyền can thiệp vào các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản ứng với các câu hỏi trong suốt tuần qua về vai trò của Bắc Kinh trong vấn đề Snowden. “Chính phủ trung ương rõ ràng coi trọng việc giải quyết các vấn đề theo luật của chính quyền đặc khu Hong Kong”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Hua Chunying nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.
Luật sư Ho của Daly & Associates phân tích rằng Snowden vẫn có thể trở về Hong Kong để xin tị nạn dù chính quyền Hong Kong đã yêu cầu các hãng hàng không ngăn cản Snowden bay tới đây. Anh ta có thể “lách luật” bởi Nga sẽ “trả anh ta lại Hong Kong”, chứ không “cho phép bay tới Hong Kong" giống như một hành khách bình thường, bà nói.
Chao đảo đi hay ở
Thời gian của Snowden ở Hong Kong được che giấu trong bí mật, bắt đầu với việc tiếp cận ban đầu của Snowden với các luật sư của mình. Vào ngày 10/6, một ngày sau khi anh để lộ nhân dạng trên báo Guardian, một trung gian đặt tại Hong Kong gọi luật sư địa phương hiểu biết về các vấn đề nhân quyền để tìm kiếm hỗ trợ, một người thân cận với vụ việc cho biết. Một luật sư, người không biết người gọi điện, được yêu cầu gặp người này trên phố ở Hong Kong, và họ sẽ đi taxi cùng nhau để gặp Snowden.
Không lâu sau đó, các phóng viên đã tìm thấy Snowden ở khách sạn Mira Hong Kong ở khu vực đông đúc gần Tsim Sha Tsui và anh ta bay đi từ đó cùng với luật sư. Snowden di chuyển qua các địa điểm chỉ vào ban đêm, đội mũ lưỡi trai và đeo kính râm mỗi khi ra ngoài.
Trong những ngày trước khi Snowden rời khỏi Hong Kong, ông Ho, luật sư của phe đối lập, đã không tìm hiểu được nhiều từ chính quyền thành phố về trường hợp của Snowden.. Ông ta càng lo lắng là áp lực tăng dần của Mỹ sẽ khiến chính quyền Hong Kong bắt giữ anh ta.
Khoảng ngày 21/6, cùng lúc Mỹ công bố lệnh bắt Snowden, Snowden đã nhận được tin nhắn mã hóa nói rằng là đại diện cho chính quyền, thúc giục anh rời Hong Kong, và cho rằng anh có thể khai xuất cảnh nếu anh làm vậy. Ông Ho cố gắng liên hệ với chính quyền Hong Kong để quyết định xem tin nhắn là xác thực hay không, nhưng không nhận được trả lời tức thì.
Khi Snowden thức dậy vào ngày thứ bảy, 22/6, có tin là Mỹ đã công bố lệnh bắt, buộc tội anh là tội phạm theo Đạo luật chống Gián điệp (Espionage Act) của Mỹ và là kẻ trộm tài sản quốc gia. Anh bắt đầu tìm kiếm các chuyến bay ra khỏi Hong Kong.
Moscow không phải lựa chọn duy nhất, mục tiêu của Snowden là tới nơi nào đó anh tin sẽ bảo vệ mình khỏi “tầm với” của chính phủ Mỹ. Anh biết anh cần tránh các hãng hàng không Mỹ nhưng không có điểm đến cuối cùng trong đầu. Suốt cả ngày, Snowden chao đảo giữa việc đi hay ở, và nơi có thể đến nếu rời Hong Kong,
Khoảng nửa đêm thứ bảy, Snowden nói với nhóm hỗ trợ pháp lý rằng anh muốn rời đi, muốn có một giấc ngủ ngon và để nghĩ về mọi chuyện nhiều hơn.
Ngày tiếp theo, 23/6, Snowden quyết định và tiến thẳng tới sân bay trong một chiếc xe hơi. Một phần bởi vì họ không dùng điện thoại di động để liên lạc, một trong các luật sư của Snowden đã đi trước tới sân bay mà không biết Snowden xuất hiện hay không. Tại sân bay, luật sư mua vé đến Thượng Hải, vé rẻ nhất có thể tìm thấy, để đảm bảo anh ta có thể theo Snowden qua cửa kiểm tra xuất nhập cảnh. Snowden đến sân bay vừa kịp giờ cho chuyến bay của hãng Aeroflot tới Moscow. Không có hành lý ký gửi, anh khai xuất cảnh và thủ tục an ninh rồi nhanh chóng lên máy bay.
Tổng thống Nga Putin hôm qua tuyên bố sẽ không giao nộp bất kỳ ai cho Mỹ khi được hỏi về trường hợp của Snowden. Đại diện của anh này cũng đã nộp đơn xin tị nạn ở Nga. Như tổng thống Correa của Ecuador đã nói, đường đi tiếp theo của Snowden giờ nằm trong tay nước Nga.
Khánh Lynh (Theo WSJ)