Tại cuộc họp báo ngày 23/7, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội xác nhận, 15 trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn Việt Nam là điểm đến.
"Việt Nam đang rất được quan tâm. Khi con số này được công bố, nó chắc chắn gây sốc cho các quốc gia lân cận", ông nói.
Đại diện của Jetro cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng không có nghĩa là dịch chuyển hoàn toàn nhà máy từ nước này sang nước khác.
Ông Takeo Nakajima nói, một số công ty sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế, quần áo bảo hộ chọn Việt Nam là điểm đến nhờ Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có năng lực và uy tín trong lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của làn sóng, ông đánh giá.
Một lợi thế khác biệt mà không quốc gia nào trong khu vực so sánh được, theo đại diện Jetro Hà Nội, là Việt Nam có đội ngũ đông đảo người lao động biết tiếng Nhật. Đó là một phần lý do khiến doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng vào Việt Nam, ông nói.
Ông cũng đánh giá, sự tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản là điểm mấu chốt khiến những tồn tại như sự thiếu nhất quán, không minh bạch, tham nhũng (có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia khác) trở nên không còn quá đáng ngại.
So với các nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam có lợi thế về chi phí thấp. Tuy nhiên, tiền nhân công, thuê mặt bằng đang tăng lên từng năm khiến Việt Nam sẽ sớm mất lợi thế giá rẻ nên cần tạo cho mình những lợi thế khác, ông Takeo Nakajima nhận định.
Bên cạnh những điểm hấp dẫn, ông đánh giá Việt Nam cần sớm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và ngành công nghiệp phụ trợ trong bối cảnh cuộc đua FDI ở Đông Nam Á đang rất sôi nổi. Dân số Việt Nam 100 triệu dân nhưng Nhật Bản cũng lo ngại về tình trạng thiếu nguồn nhân lực.
Ngoài ra, việc đi lại hạn chế giữa hai nước cũng được coi là rào cản. Các chuyến bay thương mại vì Covid-19 chưa được nối lại sẽ gây ảnh hướng tới tiến trình đầu tư, nhất là khi nhiều trong số 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam làm điểm đã bắt tay vào kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ông nhận định.
Tại Đông Nam Á, cuộc cạnh tranh thu hút FDI đang rất gay cấn. "Đó cũng là thách thức bởi các nước khác sẽ không ngừng nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, không để thua Việt Nam", ông chia sẻ.
Khi Trung Quốc – công xưởng của thế giới đóng cửa vì đại dịch Covid-19, Nhật Bản cũng như nhiều nước khác nhận thức được điểm yếu khi chuỗi cung ứng phụ thuộc vào một quốc gia. Vì thế, ông Takeo Nakajima cho hay, sau cuộc khủng hoảng khẩu trang, nước rửa tay và các trang thiết bị bảo hộ, Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên có chương trình khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm lệ thuộc kinh tế vào một quốc gia.
30 doanh nghiệp được công bố mới đây nằm trong chương trình hỗ trợ dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các nước ASEAN, do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) phát động. Mức tối đa các doanh nghiệp này có thể được hỗ trợ là 5 tỷ yen (hơn 1.000 tỷ đồng). Các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế thuộc nhóm ưu tiên của METI.
Theo đó, doanh nghiệp phải hoàn thành việc xây dựng nhà máy và được kiểm duyệt trước tháng 3/2025, với lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế hạn chót là tháng 3/2023.
Quỳnh Trang