"Tôi nghĩ các bạn sẽ tiếp tục chứng kiến các hoạt động tuần tra tự do hàng hải. Sẽ có thêm nhiều nước triển khai lực lượng tại khu vực này. Sự hiện diện tại Biển Đông là vô cùng quan trọng bởi Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với mọi thứ bên trong đường 9 đoạn", Washington Examiner ngày 7/8 dẫn tuyên bố của Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Schriver, Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường 9 đoạn" trên Biển Đông để yêu sách chủ quyền đối với khu vực cách bờ biển nước này tới hơn 1.500 km, trái với mọi quy định của luật pháp quốc tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt tranh cãi ngoại giao, thậm chí có thể là đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, bao gồm cả Philippines, đồng minh của Mỹ.
Căng thẳng trên Biển Đông gần đây gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Lầu Năm Góc giữa tháng 6 tuyên bố cân nhắc về một chiến dịch tự do hàng hải cứng rắn hơn trên Biển Đông. Động thái có thể bao gồm việc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hoặc tiến gần các đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo trái phép.
Quốc hội Mỹ ngày 3/8 thông qua dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay, đặc biệt nhằm vào hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động xây dựng, cải tạo, quân sự hóa tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam cũng hoan nghênh mọi nỗ lực duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.