Hàng loạt quốc gia khu vực đang thúc đẩy kế hoạch tái mở cửa, tìm cách cân bằng giữa kiểm soát lây lan virus với duy trì hoạt động kinh tế, bảo đảm nguồn lao động và dòng tiền luân chuyển. Họ đang dần nhận ra nền kinh tế không còn đủ sức chịu đựng những lệnh phong tỏa chặt chẽ, vốn được áp đặt để ngăn đại dịch bùng phát.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Đông Nam Á khiến đây là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất trước biến chủng Delta, trái ngược với Mỹ và châu Âu, những nơi đang dần mở cửa. Tuy nhiên, tình hình tài chính ngày càng khó khăn khiến các lệnh phong tỏa ngày càng khó thực thi.
"Đó là sự cân bằng khó khăn giữa mạng sống và sinh kế", nhà kinh tế học Krystal Tan tại công ty Australia & New Zealand Banking Group nhận xét, thêm rằng Singapore cũng đang chật vật đối phó với đợt bùng phát ca nhiễm nCoV dù có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng đầu thế giới.
Các nhà máy bị đóng cửa ở Đông Nam Á đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãng ôtô Toyoto phải cắt giảm sản lượng, trong khi hãng bán lẻ đồ may mặc Abercrombie & Fitch Co. cảnh báo tình hình đang "vượt tầm kiểm soát".
Tỷ lệ tử vong hàng ngày ở một số nước trong khu vực đã vượt mức trung bình thế giới, nhưng giới chức nhiều quốc gia ngày càng lo lắng về hậu quả kinh tế nếu các biện pháp hạn chế kéo dài quá lâu. Malaysia đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế xuống 3-4% trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục lập kỷ lục, trong khi hy vọng hồi sinh ngành du lịch của Thái Lan đã gần như biến mất.
Wellian Wiranto, nhà kinh tế thuộc tập đoàn Oversea-Chinese Banking Corp, cho rằng các nước Đông Nam Á đang dần hao mòn bởi thiệt hại kinh tế từ những lệnh phong tỏa liên tiếp, cũng như sự mệt mỏi của người dân khi tình hình chưa được cải thiện. "Hy vọng mở cửa biên giới để thúc đẩy thương mại và du lịch vẫn còn là giấc mơ xa vời", ông nói.
Sự kiên nhẫn của người dân cũng đang suy giảm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước phải ứng phó với Covid-19 lâu hơn phần còn lại của thế giới. Ở Singapore và Philippines, các doanh nghiệp liên tục lên tiếng về khó khăn trong kế hoạch dài hạn do thiếu sự rõ ràng trong các chính sách của chính phủ.
Kết quả là hàng loạt nước đang hướng tới coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu thay vì là đại dịch, trong đó Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore đều đang theo đuổi chiến lược "sống chung với virus".
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, tập trung vào chiến lược dài hạn. Giới chức đang tìm cách củng cố những điều luật như bắt buộc đeo khẩu trang trong những năm tới, thay vì áp dụng các đợt hạn chế đi lại có thời hạn. Họ cũng triển khai quy định riêng cho các khu vực cụ thể như trường học và văn phòng, nhằm chuẩn bị những điều luật cố định trong trạng thái bình thường mới.
Thông báo số ca nhiễm mới hàng ngày giờ đây ít quan trọng hơn mức độ nghiêm trọng của chúng. Điều này có thể áp dụng tại Singapore và Malaysia, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm đầy đủ vaccine cao nhất khu vực với mức lần lượt là 80% và 50%.
Thay vì các lệnh phong tỏa toàn quốc hoặc khu vực rộng, Philippines đang tìm cách áp dụng hạn chế đi lại ở những khu vực nhất định, tới cấp độ đường phố hoặc từng ngôi nhà.
Chỉ những người có thẻ xanh vaccine mới được đến trung tâm thương mại và địa điểm tôn giáo ở Jakarta, hoặc đến rạp chiếu phim ở Malaysia. Nhà hàng ở Singapore cũng được yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm chủng của thực khách. Tại thủ đô Manila của Philippines, giới chức đang xem xét thành lập những khu vực "bong bóng vaccine" cho công sở và hệ thống giao thông công cộng.
Chiến lược này có thể giảm thiệt hại tổng thể cho nền kinh tế, nhưng một số chuyên gia vẫn cảnh báo tình trạng phân bố vaccine không đồng đều, tập trung cho những vùng thiết yếu về kinh tế, có thể dẫn tới bất lợi cho những cư dân có thu nhập thấp.
Vũ Anh (Theo Bloomberg)