Chị Thu ngồi co ro vì lạnh, bên cạnh là đèn sưởi, trước mặt là màn hình máy tính cùng chiếc điện thoại bàn. Chị được cấp trên giao nhiệm vụ quản lý F0 trên phần mềm; kiểm tra, trả lời thư điện tử; nghe điện thoại F0 gọi đến xin tư vấn, khai báo, kèm giải quyết các vấn đề công dân khác.
Một ngày, phường Quan Hoa phát hiện gần 200 F0, mỗi buổi chiều sau khi đội lấy mẫu xét nghiệm tập trung danh sách về, chị tổng hợp đăng lên phần mềm quản lý.
Vừa xử lý phần mềm, tiếng chuông điện thoại reo liên tục, chị Thu một tay vừa tự đấm lưng, một tay cầm điện thoại trả lời F0. Tuy nhiên, số lượng cuộc gọi quá nhiều nên chị cũng chỉ có thể đáp ứng trong khả năng, mệt thì nghỉ. Hơn nữa, "nếu chỉ ngồi nghe điện thoại thì cả ngày không thể làm được việc gì khác". Ngày đầu tiên dương tính, chị vẫn phải làm việc đến 9 giờ tối vì khối lượng công việc "không xuể".
Trạm y tế phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, có 9 nhân viên y tế, hiện 5 người nhiễm bệnh, trong đó có chị Thu. F0 được trạm bố trí riêng vị trí làm việc trên tầng hai, cách ly với 4 nhân viên còn lại âm tính, đang ở tầng một.
Những người chưa mắc Covid cũng thay phiên trực điện thoại, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine và quản lý F0 trên hệ thống. Bác sĩ Hoàng Thị Hải Ninh, Trưởng Trạm y tế phường Quan Hoa, ngoài việc điều hành chung, cũng trực tiếp lập danh sách người xét nghiệm, đăng lên phần mềm, trả kết quả, làm thủ tục chuyển tầng cho F0 nặng.
"Một tá công việc không tên, song, còn chưa tính đến nhóm phải ra ngoài lấy mẫu xét nghiệm tại các điểm lấy mẫu tập trung, nhóm đi tiêm vaccine, họ vất vả hơn nhiều", chị Ninh nói. "Riêng việc lập danh sách người đến test cũng hết ngày, nếu không có các nhân viên mắc Covid ngồi tầng hai hỗ trợ thì không thể hoàn thành công việc".
Phường Quan Hoa còn có thêm đội ngũ sinh viên, dân quân tình nguyện, gồm 48 người, tuy nhiên hiện bị nhiễm virus một nửa. "Trung bình một người nhiễm 7 ngày thì khỏi, vậy trong 7 ngày, phường ghi nhận khoảng 1.400 F0, mà chỉ có 9 nhân viên y tế, bạn tưởng tượng lượng công việc sẽ nhiều thế nào?", chị cho hay.
Sau Tết, số ca nhiễm tại Hà Nội tăng vọt, có ngày lên đến gần 8.000 F0 khiến hệ thống y tế cơ sở quá tải. Nhiều phường, quận khác trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng nhân viên y tế nhiễm bệnh nhưng vẫn phải làm việc.
Ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông, cho biết có ngày quận ghi nhận đến gần 1.000 F0, "quá tải với cán bộ y tế". Quận Hà Đông có 17 phường, tương ứng 17 trạm y tế, mỗi trạm có 7-8 nhân viên. Một bộ phận cán bộ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, do lây từ người nhà, song vẫn phải làm việc online, tùy theo sức, bởi nếu không thì không thể đáp ứng được nhu cầu.
Theo ông Phong, có nơi cả trạm trưởng mắc Covid-19, nhưng vẫn phải điều hành công việc qua điện thoại. "Hầu hết nhân viên y tế đều được tiêm ba mũi vaccine nên bệnh nhẹ, có thể tự điều trị, bổ sung vitamin, khử khuẩn, xông mũi họng... sức khỏe ổn lại tiếp tục chiến đấu", ông nói.
Quận Nam Từ Liêm cũng ghi nhận số F0 tăng mạnh, trong đó nhiều nhân viên y tế, người tham gia điều trị F0 tại nhà nhiễm bệnh. Một lãnh đạo quận cho biết: "Nhân viên y tế nhiễm bệnh khiến khó khăn lại càng chồng chất với lực lượng y tế cơ sở do thiếu nhân lực".
Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nhiều F0 phải xếp hàng tại trạm y tế chờ test nhanh và xin giấy xác nhận mắc Covid-19, khiến người dân bức xúc. Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế Hoàng Mai, thừa nhận tình trạng quá tải ở các trạm y tế do lượng F0 tăng nhanh, trong khi mỗi trạm 6-8 nhân viên. Thậm chí nhiều nhân viên y tế là F0, song vẫn tiếp tục hỗ trợ công việc. Chính điều này dẫn đến công việc bị tồn đọng, người dân mắc bệnh vẫn phải chen chân xếp hàng nhiều giờ để chờ được test nhanh và nộp giấy tờ.
Quận Đống Đa gần đây ghi nhận thêm khoảng 200 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Công việc đổ dồn nhiều hơn vào trạm y tế cố định khi người dân liên tục gọi đến, thậm chí có đơn vị bị nghẽn mạng do có hàng trăm cuộc gọi cùng lúc, khiến người dân bất bình phản ánh, một cán bộ y tế quận cho hay.
Hiện các quận đã báo cáo Sở Y tế Hà Nội để xin hỗ trợ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng hôm 23/2 cũng yêu cầu các đơn vị phải chủ động có phương án tăng cường lực lượng cho các địa bàn "nóng".
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định nhân viên y tế mắc Covid-19 vẫn phải làm việc ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh.
"Nếu không có lực lượng thay thế sẽ rất khó chống đỡ", ông nói và dẫn giải, nhân viên y tế phải làm việc liên tục trong nhiều giờ, sinh hoạt thất thường, không có người thay thế để ngủ nghỉ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc điều trị. Nhất là trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng lên rất nhanh trong thời gian ngắn, người bệnh không được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc y tế kịp thời có thể chuyển nặng và tử vong.
Theo ông Phu, các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế cần được ưu tiên chú trọng. Một là những người này phải tự phòng bệnh, ví dụ hạn chế việc tiếp xúc đông người, thực hiện tốt 5K... Hai là ngành y tế cần chú ý tăng cường các biện pháp phòng bệnh, như đảm bảo đầy đủ phương tiện bảo hộ cho nhân viên. Ngoài ra, nếu các địa phương thiếu hụt lực lượng này, cần thông báo kịp thời với cấp trên để có sự tăng cường, điều động kịp thời vì đây là nhân lực chủ chốt đảm bảo điều trị cho F0 tại nhà.
Ông Phu cho biết thêm, từ khi đại dịch bùng phát, cán bộ y tế đã phải gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ, "bị quá tải, chịu áp lực rất lớn". Trong khi y tế dự phòng, y tế cơ sở nói chung còn nhiều hạn chế, thiếu thốn về số lượng lẫn chất lượng. Vì thế, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là lĩnh vực y tế dự phòng của Việt Nam cần được đầu tư, chú trọng hơn nữa để phát triển.
Thúy Quỳnh - Chi Lê