Sáng 15/2 (mùng 6 Tết), Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, tổ chức khai trương. Sau 8 ngày nghỉ, 90% lao động có mặt, tương đương hơn 2.800 người. Tất cả nhân viên có mặt ngày đầu năm đều được lì xì, họp mặt tân niên.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty Đại Dũng, cho biết một số lao động chưa vào được do ở tỉnh xa, nhà máy tổ chức xe đưa đón để ngày 19/2 (mùng 10 Tết) 100% nhân sự có mặt.
"Đơn hàng của nhà máy rất dồi dào nên cần khẩn trương ngay từ đầu năm", ông Hùng nói. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp dịch vụ tổng thầu và sản phẩm kết cấu thép phục vụ công trình, thị trường chủ yếu Nhật, Mỹ. Tổng giá trị các hợp đồng ngay đầu năm của công ty đạt 1.500 tỷ đồng, đạt 10% mục tiêu doanh số.
Không chỉ lì xì, tổ chức xe đưa công nhân về tận quê và đón trở lại TP HCM, ban giám đốc công ty còn có kế hoạch tăng lương cơ bản cho toàn bộ lao động. Theo ông Hùng, thời điểm tăng lương không phụ thuộc vào mốc điều chỉnh lương tối thiểu của nhà nước mà sẽ tăng sớm hơn để động viên người lao động.
Tương tự, để tiếp thêm động lực cho công nhân trở lại làm việc đúng ngày khai trương, nhiều năm qua, Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai, chi tiền tỷ để lì xì, quay số trúng vàng. Năm nay, tổng số tiền ban giám đốc chi cho ngày làm việc đầu năm gần 7 tỷ đồng.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina, cho biết mỗi công nhân được lì xì 200.000 đồng. Với phần quay số trúng thưởng, doanh nghiệp mua 44 chỉ vàng 9999, 1.000 thùng sữa để tặng công nhân trong đó lao động được giải đặc biệt nhận 5 chỉ vàng, các giải còn lại là 2, 1 và nửa chỉ.
"Nhờ không khí vui tươi mà nhiều năm qua, tỷ lệ lao động quay lại nhà máy làm việc ngày khai trương luôn đạt trên 90%", ông Phúc nói, cho biết đầu năm nay, tình hình đơn hàng của công ty đã khá hơn năm ngoái nên ban giám đốc kỳ vọng người lao động an tâm, gắn bó lâu dài.
Ngoài Taekwang Vina, một số doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, gia công giày da cũng khai trương sớm do đơn hàng ổn định đến gần giữa năm. Đơn cử như Công ty Changshin Việt Nam ở Đồng Nai chi gần 8 tỷ đồng để lì xì cho gần 37.000 lao động, khuyến khích công nhân đi làm đầy đủ khi nhiều đơn hàng cần hoàn thành trong quý 1, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với trên 38.000 công nhân ở TP HCM cũng trở lại làm việc vào ngày mùng 6.
Trong khi đó, ngành may cũng có những dấu hiệu tích cực. Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc PPJ Group, cho biết đơn hàng đã lấp đầy hết quý 1 nên toàn bộ hệ thống với hơn 17.000 lao động làm việc tại 30 nhà máy ở các tỉnh, thành sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 16/2 (mùng 7 Tết). "Tỷ lệ đi làm đầu năm thường đạt trên 90%, một số chưa vào đúng ngày vì nhà xa và có xin nghỉ phép từ trước", bà Liên nói.
Theo lãnh đạo PPJ Group, tận dụng các hiệp định thương mại, doanh nghiệp đã tìm kiếm thêm các thị trường mới, đa dạng khách hàng giữa lúc khó khăn chung. Năm nay, ngoài thị trường truyền thống là Mỹ, châu Âu và Nhật, doanh nghiệp có thêm Úc và Canada.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết hiện đơn hàng của các nhà máy đã có nhưng chưa được nhiều, tình hình năm tới dự báo còn khó khăn. Do đó phần lớn các công ty khai trương sau mùng 10 để công nhân ăn Tết thoải mái. Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị tìm nhiều đơn hàng, giá tốt nên tổ chức sản xuất ngay ngày đầu sau Tết. "Đây cũng là tín hiệu tích cực, tạo không khí cho những ngày đầu năm mới", bà Thủy nói.
Một lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM cho biết năm nay lao động trở lại làm việc sau Tết ít biến động. Nguyên nhân là năm 2023 nhiều doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng nên thu nhập lao động giảm, nhiều người chọn ở lại thành phố nên sẵn sàng trở lại làm việc ngay ngày khai trương. Nhiều công nhân muốn giữ công việc hiện tại, không còn tâm lý nhảy việc sau Tết như vài năm trước. Những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tuyển dụng hơn 10.500 lao động để phục vụ sản xuất.
Tại Bình Dương, theo thống kê của Liên đoàn lao động tỉnh, trong ngày mùng 6 Tết đã có 700 doanh nghiệp trở lại sản xuất, với khoảng 200.000 công nhân làm việc. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp VSIP có tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao nhất, bình quân 75%. Trong ngày đầu năm, các công ty tổ chức lì xì bằng tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân.
Ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, đánh giá các hoạt động tặng quà, lì xì của doanh nghiệp vào ngày đi làm đầu năm tạo không khí phấn khởi, động viên tinh thần cho công nhân. Hàng trăm doanh nghiệp trở lại sản xuất ngay sau kỳ nghỉ cũng là tín hiệu tích cực những ngày đầu năm mới. Đặc biệt, hàng loạt doanh nghiệp ở một số ngành như chế biến chế tạo, sản xuất thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày... có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60.000 lao động, thêm cơ hội cho người tìm việc.
Lê Tuyết