Đầu tháng 2, trang bán hàng hiệu trực tuyến Leflair tuyên bố dừng hợp tác với các nhà cung cấp nội địa. Không lâu sau đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh, gồm cả việc bán hàng từ nước ngoài, cũng chấm dứt.
Website của công ty thương mại điện tử này đăng thông báo tạm biệt khách hàng. Trong khi đó, trụ sở công ty tại tòa nhà văn phòng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM đóng cửa hai tuần qua.
Theo thông tin của một nhóm khoảng 100 nhà cung cấp nói đang bị Leflair nợ tiền, số công nợ ghi nhận trong cuộc hợp giữa họ và đại diện công ty đến ngày 26/2 là khoảng 40 tỷ đồng.
Ông Pierre Antoine Brun, đồng sáng lập kiêm COO Leflair sau đó xác nhận với các nhà cung cấp rằng, công ty chưa xử lý xong số công nợ với khoảng 500 nhà cung cấp với số tiền lên đến 2 triệu USD. Trong khi đó, tiền mặt còn lại trong tài khoản chưa đến 50.000 USD.
Tối 29/2, đại diện LeFlair gửi email cho các nhà cung cấp về việc đối chiếu công nợ. Công ty yêu cầu nhà cung cấp in xác nhận công nợ, ký tên, đóng dấu và gửi bản mềm cũng nhưng bản cứng cho Leflair để ký và đóng dấu xác nhận lại. Tuy nhiên, do văn phòng công ty đã đóng cửa nhiều ngày nên hàng chục nhà cung cấp đến trụ sở để liên hệ thủ tục về công nợ thì không thể gặp được ai.
"LeFlair còn thiếu chúng tôi hơn 132 triệu công nợ tháng 12/2019 và tháng 1/2020. Hai hôm nay, tôi và một số nhà cung cấp khác lên văn phòng để ký xác nhận nhưng không gặp được ai", chị Kim Hạnh, một nhà chuyên cung cấp giày dép cho biết chiều 4/3, công ty chị thuộc nhóm chưa có giấy xác nhận công nợ từ LeFlair.
Trước đó, vào chiều 3/3, ông Pierre tiếp tục gửi email cho các nhà cung cấp để thông báo sẽ tổ chức một cuộc gặp với 50 nhà cung cấp, gồm cả đại diện cho các nhóm nhà cung cấp tại văn phòng. Vị COO cũng thông báo nhà cung cấp đừng đến văn phòng vì không có ai, thay vào đó là liên hệ qua email.
"Chúng tôi không có ý định rời khỏi Việt Nam và xác nhận rằng chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm kết quả tốt nhất cho quý vị", email có đoạn.
Trong thư, ông Pierre cho biết, Leflair đang thảo luận với một vài nhà đầu tư chiến lược nên để được rót vốn thành công thì đòi hỏi "kiên nhẫn và đoàn kết". Do nhà đầu tư yêu cầu xác nhận về các khoản nợ thực tế của công ty trước khi đưa ra quyết định nên LeFlair phải ký các bản đối chiếu nợ với từng đối tác. Ngoài ra, ông cho rằng nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh để duy trì danh tiếng tốt cho công ty trong quá trình đàm phán.
Đến nay, một số nhà cung cấp đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Một số thì cho rằng cuộc họp ngày 10/3 khá "mơ hồ" vì chưa rõ ai là những người nằm trong danh sách 50 được đề cập. Ngoài ra, đa phần cho biết cũng không muốn "làm căng" tình hình.
"Nguyện vọng của tôi là LeFlair chỉ là cần đại diện bên đó ra mặt để xác nhận công nợ cho tôi và hứa hẹn thời gian thanh toán", một nhà cung cấp chưa được ký xác nhận công nợ yêu cầu giấu tên nói.
Ngoài bị tố nợ tiền nhà cung cấp, một số khách hàng cũng tố đã đặt hàng và thanh toán cho LeFlair nhưng lâu ngày chưa nhận được hàng. Một số nhân viên phải nghỉ việc cũng bị nợ lương.
"Nhân viên công ty làm hết tháng 2 là nghỉ. Theo tôi biết, lãnh đạo đang thu xếp tiền mặt để chi trả lương nhưng do nguồn lực có hạn nên họ định trả thành nhiều đợt chứ không thể giải quyết một lúc được", một cựu nhân viên công ty nói.
Dỹ Tùng