"Dưới áp lực về nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành, chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn là dừng hoạt động kinh doanh Leflair tại Việt Nam nhưng vẫn duy trì hoạt động hàng nhập khẩu phù hợp với chiến lược năm 2020", thông báo của công ty gửi các đối tác viết.
Leflair cho biết, việc xây dựng, mở rộng thương mại điện tử đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong đó, công nghê, kho vận, nhân sự là những yếu tố thiết yếu để cải tạo và thay đổi ngành bán lẻ.
Công ty này cho rằng, biến đổi thị trường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đã không tạo nhiều thuận lợi. Vì thế, Leflair gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để tiếp tục hoạt động theo cơ cấu và chiến lược hiện tại.
Trong chiều ngày 5/2, phản hồi các thắc mắc của khách hàng về việc website của Leflair còn hoạt động sau khi ngừng hợp tác với các nhà cung cấp trong nước hay không, nhân viên tổng đài và quản trị viên Fanpage của Leflair cho biết địa chỉ này vẫn duy trì để bán các sản phẩm quốc tế.
"Leflair đang tái cơ cấu tổ chức nên sẽ ngừng kinh doanh các mặt hàng có sẵn trong nước. Tuy nhiên, Leflair vẫn kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu trực tiếp từ Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc", nhân viên công ty cho biết.
Leflair cũng hứa hẹn sẽ nỗ lực cải cách và thay đổi cơ cấu vận hành nhằm tái khởi động kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2021.
Thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun. Leflair là website chuyên bán hàng hiệu giảm giá tại Việt Nam. Đơn vị này không hoạt động theo mô hình chợ trực tuyến mà chỉ làm việc trực tiếp với các thương hiệu và nhà phân phối chính thức trong nước và quốc tế để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và có giá tốt.
Leflair tuyên bố, trong 4 năm qua, công ty có hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD và duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice, vào quý III/2019, website của công ty có khoảng 1,6 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Startup này cũng từng gọi vốn được tổng cộng 12 triệu USD.
Viễn Thông