Cỏ kế đồng (tên khoa học là Cirsium Arvense) - loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm lẫn trong lúa mì đang tiếp tục được nhập vào Việt Nam sau cảnh báo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tính đến ngày 8/11, số lúa mì bị phát hiện nhiễm cỏ kế đồng lên tới hơn 1,8 triệu tấn (tăng hơn hai trăm nghìn tấn chỉ trong một tháng).
Trước đó Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp từ ngày 1/11 phải tái xuất các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ cỏ kế đồng. Sau đó doanh nghiệp phản ứng với nhiều lý do, chưa chuẩn bị kịp nguồn hàng thay thế và cần thêm thời gian thương thảo với đối tác.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật tạm ngừng thời gian tái xuất. Thay vào đó các chi cục kiểm dịch địa phương phải cử cán bộ giám sát từng lô lúa mì có nhiễm cỏ kế đồng. Hiện cả nước có 100 điểm bốc dỡ lúa mì có nhiễm cỏ kế đồng.
Quan sát của phóng viên VnExpress, tại cảng Vật Cách, Hải Phòng, ở các sà lan chứa hạt lúa mì không khó để tìm ra hoa và hạt cỏ kế đồng lẫn trong đó.
Hạt lúa mì không được đóng bao mà vận chuyển rời từ sà lan lên các container và di chuyển về kho, nhà máy chế biến.
Cách khu trú cỏ kế đồng hiện được áp dụng là trải bạt phía dưới sàn xe, trùm kín bạt khi vận chuyển. Sau mỗi ngày bốc dỡ, phần hạt vương vãi được máy hút bụi công nghiệp hút sạch và đưa vào xử lý nhiệt.
Các nghiên cứu trước đó đã chứng minh, nếu hạt cỏ kế đồng được đưa vào xử lý nhiệt có thể đảm bảo không tái sinh.
Tuy nhiên ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) lo ngại, hạt cỏ kế đồng có thể phát tán ra môi trường ở các khâu vận chuyển.
"Cách cử cán bộ giám sát chặt từng khâu như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế trong khi chờ các biện pháp mạnh hơn và để doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng", ông Hà nói và khẳng định nếu để tình trạng này kéo dài khó đảm bảo chắc chắn cỏ kế đồng không bị phát tán ra môi trường.
Bà Trần Thị Nhinh, Phó chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng I cho biết, để ngăn chặn hạt cỏ kế đồng phát tán, các chi cục phải xin Cục Bảo vệ thực vật tăng cường nhân lực để đủ người cắm ở các điểm bốc dỡ, vận chuyển và chế biến. Về lâu dài không có lực lượng theo hết và cũng không thể khẳng định giám sát chặt được toàn bộ các công đoạn.
"Phải tạm tái xuất để nước bạn có biện pháp xử lý ngay từ đầu xuất. Ở trong nước chúng tôi không chỉ giám sát vận chuyển, chế biến. Theo quy trình chúng tôi phải giám sát trong hai năm nữa quanh các khu vực bốc dỡ xem cỏ có xuất hiện ngoài môi trường hay không để kịp thời xử lý", bà Nhinh nói.
Cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thực vật (nhóm 1) của Việt Nam. Hiện chúng phân bố hầu hết các nước châu Âu, châu Á, châu Phi... Trong điều kiện nóng 42 độ C hoặc lạnh tới -35 độ C, cây vẫn sống. Một cây có 5.000 hạt, tùy mỗi hệ sinh thái mà mức độ gây hại khác nhau.
Cây kế đồng (C. arvense) là cỏ lâu năm, trong danh sách 33 loài cỏ độc hại ở Bắc Mỹ (Skinner et al., 2000). Cỏ gây hại cho hơn 27 loại cây trồng ở 37 quốc gia (Moore, 1975; Holm và cộng sự, 1977).
Cỏ kế đồng xuất hiện và gây hại cả ở khu vực canh tác và không canh tác các loại cây nông nghiệp hàng năm, cây vụ đông và cây lâu năm, cũng như các khu vực lân cận, bao gồm lề đường, bờ sông, rìa rừng và đồng cỏ.
Cỏ kế đồng gây giảm năng suất đối với nhiều loại cây trồng, đồng cỏ, bãi cỏ, vườn nho và vườn cây ăn quả (Hodgson, 1964; 1968; Moore, 1975; Holm và cộng sự, 1977; Varadi và cộng sự, 1987). Cây gây thiệt hại cây trồng lớn hơn bất kỳ cỏ dại lá rộng nào khác, trong đó bao gồm 10 triệu km2 ở Canada và miền bắc Mỹ (Drlik et al., 2000). Ước tính cỏ kế đồng gây ra tổn thất hàng năm ở Canada là 3,6 triệu đô la Canada trong sản xuất lúa mì (Peschken et al., 1980b).
Trong đồng cỏ, cỏ kế đồng làm giảm tiêu thụ thức ăn gia súc và gia súc sẽ không gặm cỏ gần cây vì gai nhọn trên lá của nó (Holm và cộng sự, 1991; Drlik và cộng sự, 2000).