Sáng 17/10, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị tìm giải pháp đối với các lô hàng lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam bị nhiễm cỏ kế đồng (Cirsium Arvense). Tham dự có các nhà khoa học, doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì và cơ quan kiểm dịch thực vật.
Hội nghị được tổ chức sau phản ứng của doanh nghiệp khi Cục Bảo vệ thực vật phát hiện trong hơn 4 triệu tấn lúa mì nhập vào Việt Nam từ đầu năm đến nay có 1,6 triệu tấn nhiễm cỏ kế đồng và buộc tái xuất trước ngày 1/11.
Doanh nghiệp đòi trưng bằng chứng tác hại của cỏ kế đồng
Ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc nhà máy bột mì Thiết Lập, đưa ra dẫn chứng một số bài báo khoa học khẳng định cây cỏ kế đồng không tồn tại ở các nước xích đạo và nhiệt đới. Cây cần thời gian chiếu sáng dài để nở hoa. Việt Nam không đủ điều kiện ánh sáng để cây nở hoa do thời gian chiếu sáng của mặt trời ngắn.
Ông Tuệ kiến nghị Cục cần thêm thời gian nghiên cứu để thấy rõ được khả năng gây hại của cỏ kế đồng nếu xuất hiện ở Việt Nam và cho doanh nghiệp thêm thời gian để tìm nguồn hàng khác thay vì hạn định ngày 1/11 phải tái xuất.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định đã nhập khẩu lúa mì mấy chục năm nhưng chưa thấy cỏ kế đồng trên đồng ruộng. Điều đó chứng tỏ khí hậu của Việt Nam có thể không phù hợp để cây phát triển. Họ đề nghị các nhà khoa học và Cục Bảo vệ thực vật có bằng chứng cho thấy cỏ kế đồng đã gây hại ở Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng nhiều nước xuất khẩu nói cây cỏ kế đồng không gây hại, vì vậy doanh nghiệp nhập hàng về. Doanh nghiệp cũng đề xuất phía Cục nên có tiêu chí tỷ lệ phần trăm (ví dụ được lẫn 2 hoặc 3%) cỏ kế đồng thì được chấp nhận vào Việt Nam. Việc đảm bảo tuyệt đối không nhiễm một hạt cỏ kế đồng nào trong lúa mì nhập khẩu là không khả thi và bạn hàng không chấp nhận.
Cương quyết không thỏa hiệp để cỏ kế đồng vào Việt Nam
TS Dương Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật), khẳng định cây cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thực vật (nhóm 1) của Việt Nam. Hiện chúng phân bố hầu hết các nước châu Âu, châu Á, châu Phi... Trong điều kiện nóng 42 độ C hoặc lạnh tới -35 độ C, cây vẫn sống. Một cây có 5.000 hạt, tùy mỗi hệ sinh thái mà mức độ gây hại khác nhau.
"Cây này không chỉ xâm hại ở nước bản địa mà có khả năng thích ứng cao với các môi trường. Chúng sẽ làm thay đổi môi trường sống, hút chất dinh dưỡng của cây trồng, giảm đa dạng sinh học tự nhiên", ông Tú nói.
Cục trưởng Bảo vệ thực vật khẳng định nếu không ngăn chặn kịp thời để cây cỏ này lan ra đồng ruộng Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam có thể bị đóng cửa.
Đồng tình với Cục Bảo vệ thực vật, PGS Nguyễn Kim Vân, Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, nhấn mạnh không thể để một hạt cỏ kế đồng nào lẫn vào nông sản, ra đồng ruộng của Việt Nam. Sự nguy hại của các loài cỏ dại xâm hại sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
"Tôi đề nghị phải thực hiện tái xuất không chỉ với lúa mì, trên cả nông sản lương thực nói chung, kiểm soát chặt. Đây phải được xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành bảo vệ thực vật, nhiệm vụ quốc gia", PGS Vân nói và nêu các bài học về cây mai dương, bìm bôi hoa vàng đã khiến nhiều địa phương tốn ngân sách, mệt mỏi để xử lý.
Ông Trung cho rằng các doanh nghiệp phải đặt lợi ích quốc gia trên hết, tránh những hệ lụy cho các mặt hàng nông sản khác. Việc ngăn chặn từ đâu là phương châm chủ đạo chứ không chờ cây lan ra ruộng đồng rồi mới đi xử lý. "Nếu cỏ này xuất hiện ở Việt Nam, toàn bộ thị trường của Việt Nam sẽ bị đóng cửa hoặc bị áp dụng biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn rất nhiều", ông Trung nói.
Tuy nhiên, trước kiến nghị của doanh nghiệp về việc lùi thời hạn tái xuất, ông Hoàng Trung khẳng định, giải pháp tạm thời chưa áp dụng ngay lệnh tái xuất ngày 1/11.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ đàm phán với các nước đang là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam gồm Mỹ, Nga, Canada để tìm giải pháp xử lý. Nếu các bên chấp nhập theo đúng pháp luật và các thông lệ quốc tế thì sẽ có biện pháp cụ thể thông báo tới các doanh nghiệp sau. Nếu không giải quyết được, ông Trung đề nghị doanh nghiệp chia sẻ, phải áp dụng biện pháp tái xuất.
"Khi có biện pháp khác sẽ thông báo trước ít nhất một tháng để doanh nghiệp chuẩn bị tinh thần", ông Trung nói và cho biết sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ để tìm các giải pháp căn cơ ngăn chặn hàng nhập nhiễm cỏ kế đồng.
Một số tác hại của cây cỏ kế đồng:
Cây kế đồng (C. arvense) là cỏ lâu năm, trong danh sách 33 loài cỏ độc hại ở Bắc Mỹ (Skinner et al., 2000). Cỏ gây hại cho hơn 27 loại cây trồng ở 37 quốc gia (Moore, 1975; Holm và cộng sự, 1977).
Cỏ kế đồng xuất hiện và gây hại cả ở khu vực canh tác và không canh tác các loại cây nông nghiệp hàng năm, cây vụ đông và cây lâu năm, cũng như các khu vực lân cận, bao gồm lề đường, bờ sông, rìa rừng và đồng cỏ.
Cỏ kế đồng gây giảm năng suất đối với nhiều loại cây trồng, đồng cỏ, bãi cỏ, vườn nho và vườn cây ăn quả (Hodgson, 1964; 1968; Moore, 1975; Holm và cộng sự, 1977; Varadi và cộng sự, 1987). Cây gây thiệt hại cây trồng lớn hơn bất kỳ cỏ dại lá rộng nào khác, trong đó bao gồm 10 triệu km2 ở Canada và miền bắc Mỹ (Drlik et al., 2000). Ước tính cỏ kế đồng gây ra tổn thất hàng năm ở Canada là 3,6 triệu đô la Canada trong sản xuất lúa mì (Peschken et al., 1980b).
Trong đồng cỏ, cỏ kế đồng làm giảm tiêu thụ thức ăn gia súc và gia súc sẽ không gặm cỏ gần cây vì gai nhọn trên lá của nó (Holm và cộng sự, 1991; Drlik và cộng sự, 2000).