"Tôi đang sinh sống và làm việc tại Đức. Trong mắt người Đức thì người Việt sống tại đây làm việc quá nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi, chứ chưa nói đến việc cho con cái đi chơi cuối tuần như tắm hồ nước ngọt, cưỡi ngựa, đá bóng ở sân vận động hoặc ra vườn vui chơi, cắm trại, hoặc tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Có người Việt tôi quen, sống ở thành phố lâu năm, ngay gần thư viện lớn mà cũng không hề hay biết luôn. Bởi họ đâu có thời gian rảnh để mà nghĩ đến việc thảnh thơi đọc sách. Đến cả thời gian ngủ với họ còn thiếu nữa là.
Người ta tranh thủ làm để lo cho gia đình nhỏ, gia đình lớn, cho họ hàng hai bên, hoặc đóng góp này nọ cho dòng tộc. Rồi còn cả áp lực tích góp cho con cháu, cho hậu vận về sau... Tóm lại là gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền lúc nào cũng đè nặng lên vai người họ , lâu dần sinh ra bệnh tật như một lẽ tất yếu.
Người Việt ở nước ngoài cũng vậy thôi. Nhìn họ trẻ khỏe vậy, chứ cũng lắm thứ bệnh tật, phần lớn là bệnh về xương khớp, do phải làm việc quá nhiều trong khi thiếu thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Hiểu rõ những hệ lụy sau này khi sinh hoạt thiếu điều độ, nên tôi bắt đầu sống chậm cách đây 10 năm, giảm làm việc và tăng thời gian nghỉ ngơi. Tôi chỉ làm vừa đủ ăn mà thôi, cốt để không lệ thuộc ai là được. Hiện giờ, mỗi ngày tôi chỉ làm việc bốn tiếng, còn lại là nghỉ ngơi, trồng hoa, làm vườn, vui chơi với gia đình nhỏ để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất.
Với người Đức, cách sống của tôi như vậy được xem là rất bình thường. Nhưng với nhiều người Việt xung quanh đây , tôi được coi là người lười biếng. Tuy nhiên, với tôi, chuyện đó không sao cả. Ở tuổi U50, mà tôi không bị bất cứ bệnh tật gì, ăn uống không phải kiêng cữ, tóc cũng chẳng có sợi bạc, ăn ngon ngủ yên như vậy chẳng phải 'là tiên' rồi hay sao? Có gì phải lo nghĩ nữa?
>> Tôi bị cười nhạo vì lối sống 'rùa'
Nếu suốt ngày, đêm bạn không gặp điều gì bực mình; khi đặt lưng xuống giường, bạn không phải lo nghĩ gì; cũng không bị tiếng ồn ào của môi trường xung quanh ảnh hưởng; không bị vợ (chồng) hay sếp cằn nhằn; hay đơn giản bạn vô tình làm bể cái bình hoa hoặc nấu bữa ăn bị khét mà không ai trong gia đình bạn móc một lời nào, còn an ủi rằng 'mọi việc ổn, không sao đâu', thì tôi tin ai cũng có một tinh thần khỏe mạnh.
Ngoài những yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới sức khỏe của người Việt như ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, làm việc và tập thể dục thường xuyên, còn một yếu tố khác cũng rất quan trọng, chính là môi trường sống. Còn nhớ, hồi Tết năm rồi, tôi về Việt Nam thăm quê. Tại Sài Gòn, ngày nào tôi cũng đi ra đường mà không bịt khẩu trang (do quen với lối sống ở nước ngoài). Nhưng chỉ sau một tuần, tôi lập tức bị viêm họng.
Gan lỳ không uống thuốc và vẫn tiếp tục ra đường đi chơi mỗi ngày, cuối cùng tôi tắt luôn cả tiếng. Trở về Đức trong tình trạng không nói ra tiếng, tôi vẫn không uống thuốc. Nhưng chỉ vài ngày sau, bệnh của tôi đã giảm dần và hết hẳn sau một tuần. Chứng tỏ không khí ở Việt Nam đang ô nhiễm rất trầm trọng.
Hàng xóm của tôi ở Đức, nhiều người U90, U100, sống một mình, nhưng rất khỏe mạnh, tự lo được mọi thứ, dù họ có thể vào viện dưỡng lão để được chăm sóc. Chẳng biết đến bao giờ người Việt mới sống vui, sống khỏe, sống thảnh thơi được như thế?".
Đó là chia sẻ của độc giả Nguoixala về thực trạng "Người Việt 'sống lâu nhưng không khỏe'". Theo thông tin được công bố tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V ,ngày 4/10, Việt Nam cũng là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao (73 tuổi), nhưng 60% có sức khỏe yếu đến rất yếu, trung bình 14 năm sống trong bệnh tật, nhiều người đồng mắc 3-6 bệnh nền, như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường...
* Bạn đang làm việc bao nhiêu tiếng một ngày và có thực sự sống khỏe hay không?
- Dậy sớm để sống chậm
- Bạn đang sống nhanh hay sống chậm?
- Sống chậm là gì?
- Suy nghĩ sai lầm 'người Việt năng suất thấp nên phải nghỉ ít, làm nhiều'
- Người Việt chuộng 'làm nhiều, nghỉ ít' đến bao giờ?
- Mắc kẹt trong vòng quay làm quần quật, nghỉ vội vàng