Chúng ta đang lo sợ chất ngọt vi hại đến sức khỏe, nhưng quên rằng ăn mặn quá cũng sẽ gây bệnh.
Cuối tuần rồi, tôi đi ăn hủ tíu Nam Vang ở một tiệm gần nhà. Đây là lần hiếm hoi tôi đi ăn ở ngoài. Khi ăn về, tôi phải uống rất nhiều nước vì miệng "cháy khô" do cảm thấy cơ thể vừa hấp thu một lượng lớn muối.
Như một thói quen, khi nấu ăn, chúng ta nêm nếm gia vị, muối theo kinh nghiệm mách bảo. Một nồi nước lèo hủ tiếu ở quán được đun nóng cả ngày, trong đó bao gồm xương, hủ tíu Nam Vang vốn có khô mực (thứ này đã mặn sẵn), rồi nêm nếm trong đó bao nhiêu là gia vị khác.
Thời gian trên bếp càng lâu, lượng nước bốc hơi đi, nồng độ muối còn lại tăng cao thì một số người lại bảo: "Đậm đà".
Khi dọn ra bàn ăn, lại kèm theo dung dịch chấm như nước tương (xì dầu), nước mắm...
Theo thống kê của Bộ Y tế, lượng muối trung bình mà người Việt Nam tiêu thụ mỗi ngày cao gấp đôi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Nhiều người có thói quen ăn mặn, tôi từng chứng kiến một người ăn cơm với canh, chan cả muỗng nước mắm dằm ớt vào luôn trong chén cơm và còn bảo: "Chưa đã".
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, đồ hộp, mì gói... cũng góp phần gia tăng lượng muối nạp vào cơ thể. Nhiều người cho rằng ăn mặn giúp kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng mà không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe, gây các bệnh tim mạch, thận, cao huyết áp...
Ngày xưa, khi còn khó khăn, chưa có tủ lạnh, muối thực sự hữu dụng khi bảo quản thực phẩm được lâu: mắm, khô cá muối, thịt muối, củ cải muối... hoặc thói quen ăn mặn để ăn được nhiều cơm, có sức đi làm đồng.
Nhưng tại sao họ ít bệnh? Vì hầu như mỗi ngày chỉ ăn chừng đó, khi lao động, muối theo mồ hôi bài tiết bớt ra bên ngoài.
Còn bây giờ, lý do nào để chúng ta giữ thói quen ăn mặn nữa?
Hoài Ân