Đến bây giờ, dù có điện thoại, máy tính và iPad, tôi vẫn có thói quen dùng sổ tay và bút. Điều làm tôi gắn kết với chúng, là vào năm nhất đại học, tôi vào thư viện Khoa học tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM để đọc sách.
Tôi mượn được một cuốn sách khá cũ, khi giở đến một trang, tôi bắt gặp dòng chữ rất thanh lịch, ghi lại điều tâm đắc, cuối dòng còn có chữ ký của người này. Tôi thật sự ấn tượng với nét chữ đó và cố gắng học viết theo.
Sau này, lúc đi làm, trong một lần ghi thiệp mời giúp cơ quan, sếp và đồng nghiệp trầm trồ khi thấy chữ viết tay của tôi. Có người còn nhờ tôi viết giúp thiệp đám cưới con của họ.
Tôi có hai người bạn, một người dạy môn Văn, một người dạy tiếng Anh. Họ đều có chung một nỗi than phiền đó là: chữ viết của nhiều học sinh quá xấu, lúc chấm bài, phải căng mắt ra đọc.
"Nhiều lúc đọc không ra, phải đọc đoạn tiếp theo mới nhìn ra đoạn phía trước viết gì", bạn dạy môn Văn của tôi than. Còn người bạn dạy tiếng Anh cũng không ít lần tăng xông với những nét chữ xiên vẹo, xấu như gà bới của học sinh.
Tôi thấy một số người trẻ, dù 30 tuổi, nhưng nét chữ viết tay rất xấu và nhìn non nớt như trẻ cấp một. Có lẽ, bây giờ gõ phím điện thoại, máy tính nhiều hơn viết tay, yêu cầu viết chữ đẹp là hơi cao, và không cần thiết. Nhưng ít ra, nét chữ cũng phải ngay ngắn, rõ ràng và dễ đọc.
Đại Lâm Mộc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.