Ngày đầu cho người dân nhận diện hũ tro cốt bị lẫn lộn, chùa Kỳ Quang 2 gắn nhiều bảng thông báo hướng dẫn các bước thực hiện để việc tìm kiếm thuận lợi. Ở cổng hầm tro cốt, công an, bảo vệ dân phố giữ trật tự, hướng dẫn mọi người vào trong. Khu hội trường cách đó 5 m có 15 bàn đăng ký, mỗi bàn có hai người hỗ trợ thân nhân xác nhận thông tin.
Theo thông báo thượng tọa Thích Quang Thạnh, phụ trách chùa Kỳ Quang 2, mỗi ngày có 100 người chia thành 10 nhóm vào hầm nhận diện trong 45 phút. Đầu tiên, họ đến bàn tìm di ảnh người thân, rồi được các thầy dẫn đến các tòa đài sen để các hũ tro cốt.
Khi tìm thấy, người thân ghi số thứ tự, đặc điểm nhận diện hũ, điền nguyện vọng vào phiếu thông tin, ký xác nhận vào hai biên bản, mỗi bên giữ một bản. Sau đó, chùa sẽ mời thân nhân tham dự phiên họp lấy ý kiến thống nhất về nguyện vọng.
Trong sáng nay, 50 trường hợp đã tìm được tro cốt người nhân. Ông Bùi Minh Dùng, 73 tuổi, ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp cho biết, linh cốt của vợ được gửi chùa 3 năm trước. Hồi tháng 4, khi đến viếng, ông viết mẩu giấy ghi họ tên, ngày mất của vợ rồi lấy băng keo dán bên ngoài hũ.
Người nhà ông Dùng chụp lại hình hũ cốt vì cho rằng làm như vậy để phòng bị lẫn lộn do nhiều hũ có bề ngoài giống nhau. Nhờ đó, ông chỉ mất 15 phút để nhận ra hũ cốt của vợ mình. Ghi chú vị trí hũ cốt số 445, cột đài sen số 16, tầng 2, ông ký vào biên bản xác nhận rồi quay ra.
"Gia đình nhiều con cháu, tôi muốn đánh dấu để sau này người nhà đến thắp hương thuận tiện. Nào ngờ vì sự cẩn thận đó mà hôm nay tôi tìm thấy hũ cốt của bà ấy", ông Dùng nói và cho biết nguyện vọng sẽ đưa hũ cốt về nhà thờ cúng.
Còn ông Giang Văn Hùng, 64 tuổi, quê Kiên Giang cho biết, cách đây 12 năm, ông gửi tro cốt người thân tại chùa. Khi nghe tin chùa làm lẫn lộn hũ tro cốt, sáng nay ông bắt xe khách vượt hơn 200 km lên Sài Gòn. Trong điện thoại ông lưu sẵn tấm ảnh hũ cốt bằng sành màu xanh, có vệt sẫm màu nâu mà ông chụp hồi Tết năm ngoái.
"Các chi tiết đó đã giúp tôi nhận ra hũ cốt người thân", ông Hùng nói giọng vui mừng và mong muốn nhiều người sẽ "may mắn" như mình.
Hiện, hơn 300 người đăng ký tìm kiếm hũ tro cốt bị thất lạc tại chùa Kỳ Quang 2. Sáng nay chùa nhận thêm gần 100 phiếu đăng ký. Nhà chùa sẽ tổ chức nhận diện trong ba đợt. Đợt 1 gồm những người đăng ký từ ngày 5 đến 9/9, đợt 2 đăng ký sau ngày 9/9 và đợt 3 cho các trường hợp khó nhận diện, cần nhiều thời gian.
Trường hợp người thân không tìm được hũ tro cốt, trong thông báo hôm 5/9, nhà chùa đề xuất giải quyết bằng nhiều cách như làm bảng lớn ghi họ tên người mất, di ảnh để thờ chung; trộn tro cốt đúc thành tượng để người thân cùng thờ cúng; giám định ADN...
Trước đó, hồi cuối tháng 8, người dân đi thắp hương cho thân nhân ở chùa Kỳ Quang 2 phát hiện hàng trăm hũ tro cốt bị di dời, gom vào một góc lẫn lộn, rơi di ảnh. Qua kiểm đếm, số lượng tro cốt tại chùa là 883 hũ (302 hũ cốt dưới hầm và 581 hũ cốt đá trắng ở ngoài), trong đó chỉ 108 hũ cốt có gắn hình hoặc bài vị.
Lý do khiến hũ tro cốt bị lẫn lộn được đại diện chùa đưa ra do trải qua thời gian, nơi thờ linh cốt hư hại, bám bẩn. Từ tháng 3, trong quá trình chùa sửa chữa, "có những hũ cốt bị rớt hình" hoặc có những hũ cốt vốn không có hình trước đó.
Đánh giá đây là sự việc "nghiêm trọng", khiến dư luận bức xúc, nhiều người đau lòng, Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM đã đình chỉ chức trụ trì với hòa thượng Thích Thiện Chiếu. Thượng tọa Thích Quang Thạnh (thế danh Trần Xuân Nhàn) được cử điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội của chùa Kỳ Quang 2.
Hà An