Thượng tọa Thích Phước Tiến hiện là Phó ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, Trụ trì Tu viện Tường Vân ở huyện Bình Chánh.
- Hiện, có xu hướng người dân đưa tro cốt người thân gửi vào chùa, Thượng tọa lý giải nguồn gốc của việc này như thế nào?
- Giữ những gì còn lại của người thân là tình cảm thiêng liêng mà người Việt dành cho người quá cố. Tuy nhiên việc thờ tro cốt không phải tập quán từ ngàn xưa của người Việt. Thay vào đó việc chôn cất, thổ táng cẩn trọng thi hài người chết trở thành nét văn hóa, đạo đức thiêng liêng của người Việt.
Tôi không rõ việc thờ tro cốt trong chùa có từ bao giờ. Hơn 30 năm trước, tôi đã thấy tro cốt thờ trên các bàn linh trong chùa, chủ yếu tro cốt của người xuất gia. Điều đó phần nào cho thấy do ảnh hưởng triết lý Phật giáo từ Ấn Độ, người Việt có xu hướng hỏa táng thi hài người đã khuất. Song có điểm khác là người Ấn Độ không giữ lại tro cốt để thờ, ngoại trừ đức Phật và một vài nhân vật đặc biệt, người Việt giữ lại tro cốt để thờ ở tư gia hoặc chùa.
Khi quá trình đô thị hóa và dân số tăng nhanh, diện tích đất dành cho chôn cất bị thu hẹp khiến nhu cầu hỏa thiêu ngày càng tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên xét chung toàn xã hội, nguyện vọng hỏa thiêu vẫn không cao. Người Việt chưa quen với hỏa thiêu bởi quan niệm thân xác không còn nguyên vẹn sau khi chết là điềm chẳng lành. Họ vẫn muốn được chôn nguyên vẹn rồi đem hình hoặc bài vị lên chùa thờ.
- Nhiều người tâm niệm rằng, gửi tro cốt lên chùa là muốn linh hồn người thân được nghe kinh kệ, hướng về Phật và điều này cũng thể hiện đạo hiếu của người sống với người đã khuất. Thượng tọa lý giải ra sao?
- Theo triết lý nhà Phật, có hai trường hợp sau khi qua đời được tái sinh liền: một là cực trọng thiện, hai là cực trọng ác. Cực trọng thiện là họ có quá nhiều phước báu trong đời nên không cần qua giai đoạn trung gian là thân trung ấm. Cực trọng ác, sau khi qua đời là đọa liền, vì đã tạo quá nhiều ác nghiệp trong hiện đời, không có giai đoạn thân trung ấm.
Còn hầu hết những trường hợp khác phải trải qua 49 ngày là giai đoạn của thân trung ấm, chờ đợi để tái sinh. Đây là những giai đoạn cần sự giúp đỡ của người thân, là giai đoạn cần nương náu ở cửa Phật để được siêu độ, là niềm tin và lòng mong mỏi của nhiều người.
Một trường hợp khác cũng cần được giúp đỡ, là chúng sinh nào đó tái sinh vào cõi Ngạ quỷ (quỷ đói). Đây là một trong ba cảnh giới của ác nghiệp, do khi sống họ tham lam, ích kỷ. Từ đó, trai đàn chẩn tế vào dịp Vu Lan (ngày rằm tháng bảy) để cúng thí người mất cũng như siêu độ vong linh là lễ nghi có giá trị tâm linh với đa số người Việt.
Ở thế kỷ 19, Nguyễn Du sáng tác Văn tế thập loại chúng sinh vào thời điểm dịch bệnh hoành hành làm hàng triệu người chết. Tác phẩm nhằm tưởng nhớ và siêu độ người mất, được dẫn đầu bằng câu "Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt" cũng mang ý nghĩa trên.
Có thể nói, việc gửi tro cốt ở nhà chùa không phải quan điểm của Phật giáo, nhưng phong tục tập quán và niềm tin đã ảnh hưởng sâu đậm đến nguyện vọng thờ cúng người mất của người Việt, kể cả việc thờ cốt tại chùa.
Về tình và đạo lý người Việt thì điều này được xem là nguyện vọng chính đáng. Nhà chùa sẵn sàng tạo mọi điều kiện giúp cho việc thờ cúng được chu đáo để thỏa mãn lòng hiếu thảo và tình cảm của họ dành cho người qua đời.
Nếu chúng ta làm một cách có trách nhiệm, đầy lương tâm giữa người gửi cũng như người tiếp nhận, thì việc thờ cúng tro cốt trên chùa có ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhất định với người đã khuất.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định thế nào về tiếp nhận, quản lý tro cốt tại chùa, thưa Thượng tọa?
- Giáo hội và phía chính quyền chưa có quy định cụ thể nào về việc này. Xưa nay, việc gửi tro cốt vào chùa chủ yếu dựa trên niềm tin giữa người dân và nhà chùa. Trong tâm thức người dân, chùa là chốn linh thiêng, nơi trang nghiêm thanh tịnh, đáng tin cậy, nên gửi cốt hay di ảnh người thân vào chùa là việc tốt nhất.
Nhưng nhiều trường hợp, sau khi gửi tro cốt hay di ảnh người thân vào chùa là xong, thân nhân không có trách nhiệm nào với người quá cố. Mặt khác, về phía người tiếp nhận hài cốt hay di ảnh cũng có vài trường hợp chưa thực sự có trách nhiệm. Bởi người cai quản nơi đó nghĩ rằng, bổn phận nhà chùa chỉ tạo điều kiện cho mọi người, việc còn lại là của người thân.
Vả lại, không phải trụ trì nào cũng suốt đời ở một ngôi chùa, mà họ có thể được thay đổi qua nhiều nơi, hoặc già yếu mất đi, truyền lại cho người khác. Nhiều khi người kế thừa không thể làm tốt như người trước đó, hoặc ngược lại.
Do đó, cái tâm đóng vai trò quan trọng. Người chủ hài cốt đó có thiếu sót nhưng bổn phận người tiếp quản nơi thờ tự phải cần có trách nhiệm và lương tâm dành cho chúng sanh qua đời. Đó là cái cần thiết và tốt hơn cả mọi quy định.
- Hiện các chùa tiếp nhận, bảo quản, thờ tự tro cốt như thế nào?
- Tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng tôi ước đoán có đến 90% ngôi chùa hiện có nơi để người dân thờ tro cốt. Không có văn bản, thỏa thuận nào được ký kết mà việc tiếp nhận linh cốt do nhu cầu của phật tử và quần chúng xa gần tin tưởng gửi vào. Phía nhà chùa ghi nhận những thông tin cần thiết của người chịu trách nhiệm về hũ cốt để liên lạc khi cần cũng như khi có nhu cầu tiếp nhận lại.
Bên cạnh đó, một số nơi làm như một dạng dịch vụ, hai bên có hợp đồng về phí gửi, thời hạn cũng như vị trí thờ.
Nhìn chung, tùy vào điều kiện của mỗi chùa, người quản lý sẽ có những quy định riêng mà không phải là một tiêu chuẩn hay điều lệ chung nào cả.
- Theo Thượng tọa, việc tiếp nhận tro cốt tại chùa cần quy định thế nào vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như ở chùa Kỳ Quang 2?
- Về lâu dài, tôi nghĩ cần những quy định, tiêu chuẩn cụ thể từ phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phân định rõ trách nhiệm của bên tiếp nhận, và trách nhiệm của người gửi hài cốt và di ảnh. Để khi xảy ra những sự việc không hài lòng sẽ dễ dàng giải quyết hơn là lời qua tiếng lại một cách chung chung theo cảm tính, tránh việc đổ thừa hay gán ghép một cách khiên cưỡng cho đôi bên.
Như đã nói, việc tiếp nhận, bảo quản và thờ cúng tro cốt cần nhất là lương tâm của người quản lý trong chùa. Một người có tâm sẽ làm tốt mọi việc hơn cả quy định. Bởi quy định chỉ là những cái để phòng dành cho một vài trường hợp yếu kém, thiếu trách nhiệm, không có tâm trong việc quản lý, dù là vô tình hay hữu ý.
Từ trước đến nay, chưa có quy định cụ thể nhưng hầu hết chùa đều làm tốt việc này. Đừng vì một vài trường hợp đáng tiếc lại chụp mũ chung cho tất cả. Nếu cứ khăng khăng áp dụng quy định, nhiều khi việc thờ tự thay vì làm tốt hơn, thiêng liêng, ý nghĩa hơn lại trở nên máy móc. Bởi nhiều người sẽ nghĩ "luật không yêu cầu cao như vậy nên tôi không cần thiết phải làm".
Về phía người dân cũng cần có những thay đổi về nhận thức, thái độ. Tôi không nói tất cả, nhưng không ít người gửi tro cốt như thoái thác mọi việc cho chùa với nhiều lý do. Chẳng hạn ở chùa tôi trụ trì vẫn còn trên 100 hũ tro cốt vô chủ. Nhà chùa nhiều lần ra thông báo tìm kiếm nhưng một số thân nhân không trở lại chùa thờ cúng, thăm nom tro cốt người thân.
Mạnh Tùng - Hà An