Thông tin được ông Thượng chia sẻ ngày 1/12, sau cuộc họp với các cơ quan chức năng về tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người dân.
Theo người đứng đầu ngành y tế TP HCM, ngày càng nhiều người có xu hướng lợi dụng không gian mạng, tạo lập các website, tài khoản, trang hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube...) để quảng cáo, giới thiệu các dịch vụ khám chữa bệnh, mua bán thuốc, thiết bị y tế...
Một số người đăng tải các clip dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức y khoa, thông qua đó quảng cáo khám chữa bệnh tại cơ sở. Có những trường hợp mạo danh y bác sĩ để quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh, đăng nội dung, hình ảnh có tính thách thức cơ quan quản lý. Không ít trường hợp sử dụng hình ảnh, đánh giá của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng, nghệ sĩ nổi tiếng, thông tin quảng cáo trên các trang báo chí để thu hút và tạo niềm tin cho người dân.
Chẳng hạn, hồi giữa tháng 11, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra đột xuất căn nhà quận Phú Nhuận, phát hiện "bác sĩ" Hà Duy Thọ khám cho bệnh nhân, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc nhãn hiệu "Dr Tho". Trên bàn khám bệnh có nhiều "phiếu khấn nguyện trước khi ăn", phiếu phương pháp OHSAWA công thức số 6, công thức số 7 (phương pháp thực dưỡng) ghi thông tin "BS Hà Duy Thọ". Trang Facebook cá nhân mang tên "Bác sĩ Hà Duy Thọ" quảng cáo về bác sĩ dinh dưỡng Hà Duy Thọ và nhiều sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, ông Thọ không xuất trình được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở Mr Lee của ở TP Thủ Đức mở niêm phong các kệ tủ, thực hiện nâng mũi, tiêm filler cho khách dù đã bị phạt 115 triệu đồng, đình chỉ hoạt động do khám chữa bệnh không phép. Dù không có chứng chỉ hành nghề, ông Trương Thanh Tịnh, chủ cơ sở, được biết tới nhiều trên TikTok, Facebook, Youtube với tên gọi "Mr Lee" chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ. Người này tự nhận mình thân thiết với nhiều bác sĩ thẩm mỹ ở Hàn Quốc, cho rằng "99% thẩm mỹ viện ở Việt Nam không có bằng cấp, không đủ giấy phép và điều kiện để phẫu thuật, đều là làm chui".
Thời gian tới, Thanh tra Sở và Công an TP HCM sẽ phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm trọng điểm, điển hình trong hoạt động quảng cáo y tế trên không gian mạng.
Sở Y tế đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao truyền thông đến các nhân vật là người của công chúng không tham gia các hoạt động quảng cáo lĩnh vực y tế khi chưa được xác nhận nội dung được phép quảng cáo. Sở Thông tin và Truyền thông cần xây dựng công cụ để quản lý hoạt động quảng cáo, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng quản lý trên lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật.
Ông Thượng khuyến cáo người dân lưu ý khi lựa chọn các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin khám chữa bệnh của Sở để tìm hiểu về giấy phép của phòng khám, bác sĩ, tránh những biến chứng gây nguy hiểm tính mạng.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân gọi đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở có thông tin kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.
Lê Phương