Riêng ngày 7/10, bệnh viện ghi nhận 4 trường hợp, chủ yếu ở Bình Chánh. Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đa số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol bị nôn ói, nhức đầu, lơ mơ dần rồi hôn mê. Thậm chí, có người ngưng tim ngoại viện như nam bệnh nhân 31 tuổi, ngụ Bạc Liêu. Người bệnh thường suy hô hấp, rối loạn cân bằng nước, điện giải, nhìn mờ, suy gan, suy thận, tăng đường huyết.
Trường hợp mới nhất là nam bệnh nhân 58 tuổi, ngụ Vĩnh Long, vào viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu tăng đến hơn 209 mg/dL. Trong khi đó, theo y văn, nồng độ này ở từ mức 20 mg/dL đã có thể gây ngộ độc. Nồng độ methanol trong máu trên 50 mg/dL thường phải lọc máu cấp cứu và trên 80 mg/dL đã có khả năng tử vong cao.
Người thân của bệnh nhân cho biết đêm trước nhập viện mua rượu ở tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà để uống. Khoảng ba giờ sáng hôm sau, bệnh nhân bắt đầu nói sảng, than chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ.
Ngày 8/10, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc của bệnh viện đang điều trị ba ca ngộ độc methanol nặng, hôn mê sâu. Trước đó, ba ca bệnh nặng xin đưa về. Hầu hết bệnh nhân đã mua rượu tại những tiệm tạp hóa nhỏ, đặc biệt là khi được ra ngoài sau thời gian dài bị giãn cách xã hội.
Bác sĩ Đặng Ngọc Kim Thanh, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, cho biết ngộ độc methanol trong rượu là do chất chuyển hóa của methanol là acid formic, gây rối loạn toan chuyển hóa và tổn thương nhiều cơ quan đích. Điển hình, dây thần kinh thị hay gai thị có thể bị teo dẫn đến mờ mắt hoặc mù vĩnh viễn. Ngộ độc rượu methanol gây tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch... hay suy đa cơ quan.
Theo bác sĩ Thanh, triệu chứng thường xuất hiện sau khi bệnh nhân uống rượu về, tỉnh táo rồi mới bắt đầu nôn ói, nhức đầu, lơ mơ dần rồi hôn mê. "Chúng tôi thường tiếp nhận bệnh nhân vào giờ thứ 24-48 sau khi uống. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân thường có triệu chứng nôn ói, nhức đầu, dễ nhầm với triệu chứng say rượu", bác sĩ Thanh chia sẻ.
Nhiều bệnh viện khác tại TP HCM thời gian gần đây cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, tăng đột biến so với trước. Trong tháng 9, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận 12 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó 6 trường hợp tử vong. Những tháng trước, bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Rượu thường dùng để uống là rượu ethanol làm từ ngũ cốc, giá thành cao hơn. Trong khi đó, cồn methanol là hóa chất, chỉ dùng trong công nghiệp vì rất độc với người, sản xuất từ gỗ lên men, giá rẻ hơn. Một số người bán trộn hai loại này lại để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, khiến người mua uống vào có thể ngộ độc.