Nhân viên trạm xăng 52 tuổi ở New York có nhiều bạn bè gặp tình huống tương tự. Họ ngạc nhiên khi nhận hóa đơn xét nghiệm nCoV - thủ tục y khoa vốn miễn phí ở Mỹ, lo ngại trường hợp tương tự xảy ra với vaccine.
"Giới chức thông báo chúng tôi được xét nghiệm không mất tiền. Sau đó, thật bất ngờ, hoá đơn 150 USD đến tay. Tôi đồng ý tiêm chủng rất quan trọng, nhưng hiện giờ, với tôi, nó không cấp thiết", ông nói.
Thực tế, đây là vấn đề tiếp diễn nhiều năm ở Mỹ, gọi là "hoá đơn y tế phát sinh", thường xảy ra khi một bệnh viện cho phép bác sĩ từ chuyên khoa khác, nằm ngoài phạm vi bảo hiểm, can thiệp khám chữa bệnh. Ví dụ, bệnh nhân đến một bệnh viện chấp nhận bảo hiểm, song lại được bác sĩ cấp cứu điều trị. Những bác sĩ này thường lập hóa đơn cao hơn nhiều so với mức chi trả của các chương trình y tế, an sinh xã hội thông thường. Hậu quả người bệnh phải tự trả những hóa đơn phát sinh lên tới hàng nghìn USD.
Quốc hội Mỹ năm 2020 đã thông qua luật cấm các cơ sở y tế xuất hoá đơn phát sinh cho các ca nhiễm và người tiêm vaccine Covid-19. Biển hiệu tại nhiều điểm tiêm chủng nhấn mạnh "Vaccine miễn phí". Ngay từ đầu, giới chức y tế và chính phủ liên tục nhắc lại thông điệp "không cần bỏ tiền để tiêm chủng".
Dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại về các khoản phí phát sinh khổng lồ, lấy đó làm lý do không tiêm vaccine. Một số đã quen với hệ thống y tế nơi các hóa đơn thường lớn tới mức bất ngờ.
Cuộc thăm dò của Tổ chức Gia đình Kaiser cho thấy khoảng một phần ba số người trưởng thành chưa tiêm chủng không chắc chắn liệu bảo hiểm có trả phí vaccine không. Họ lo rằng phải bỏ tiền túi làm điều này, đặc biệt là người gốc Tây Ban Nha và cộng đồng da màu.
"Mọi người trả lời kiểu: ‘Vâng, tôi biết tiêm chủng rất tốt. Tôi muốn tiêm, nhưng không có bảo hiểm’. Chúng tôi đang cố gắng để mọi người biết rằng vaccine hoàn toàn miễn phí", Ilan Shapiro, giám đốc y tế của AltaMed, cho biết.
Thái độ hoang mang thể hiện sự thiếu thông tin, hoặc định kiến từ các trải nghiệm khám chữa bệnh trong quá khứ. Liz Hamel, giám đốc nghiên cứu khảo sát tại Kaiser, cho biết: "Mọi người nghe ngóng được rằng vaccine miễn phí, nhưng họ không tin".
Quốc hội Mỹ cố gắng bảo vệ quyền lợi của người dân trong việc xét nghiệm và tiêm chủng. Đầu đại dịch, giới chức kêu gọi các công ty bảo hiểm thanh toán cho cả hai dịch vụ, đồng thời thiết lập quỹ bồi hoàn cho các bác sĩ điều trị bệnh nhân không có bảo hiểm.
Dù vậy, nhiều người vẫn nhận phải trả phí y tế phát sinh, có khi lên tới 1.000 USD. Một số bác sĩ cố tình xuất hoá đơn xét nghiệm cho bệnh nhân.
Giới chức sau đó đã siết chặt quy định tiêm chủng. Để đăng ký thành cơ sở tiêm vaccine, bác sĩ và nhà thuốc phải ký hợp đồng cam kết không tính phí người dùng. Các biện pháp mạnh tay dường như có hiệu quả. Trong khi nhiều bệnh nhân phàn nàn về số tiền khổng lồ sau điều trị, xét nghiệm Covid-19, tình trạng này hiếm lặp lại với chương trình vaccine.
Hoá đơn phát sinh khi tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị Covid-19 dễ tạo ấn tượng xấu cho bệnh nhân. Theo nghiên cứu năm 2013 của Đại học California, người có nhiều khoản nợ y tế thường bỏ qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết sau này.
"Truyền thông và người xung quanh có thể nói với họ rằng vaccine miễn phí, nhưng họ từng gặp vấn đề tiêu cực trước đây. Hệ thống y tế khiến họ mất lòng tin", Lucie Kalousova, người đứng đầu nghiên cứu, nhận định.
Những người từng mất tiền để điều trị Covid-19 tự hỏi vì sao vaccine lại khác. Elizabeth Drummond, một bà mẹ 42 tuổi ở Oregon, chia sẻ: "Đây là nước Mỹ. Chăm sóc sức khỏe chẳng bao giờ miễn phí cả. Tôi biết trước quá trình tiêm chủng sẽ diễn ra thế nào. Họ sẽ cố gắng tận dụng nó".
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các cuộc khảo sát đã phóng đại vấn đề. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ New York Times, nhiều người không thực sự quan tâm đến giá cả vaccine. Thay vào đó, họ bày tỏ sự thất vọng với hệ thống y tế Mỹ nói chung.
"Chi phí là chuyện nhỏ thôi. Tôi nghĩ vaccine là trò lừa đảo. Đây chỉ là cách chính phủ xem xem họ có thể kiểm soát người dân đến mức nào", Cody Sirman, 32 tuổi, nói.
Số khác lo lắng nhiều hơn về tác dụng phụ của vaccine. "Hầu hết người dân không tiêm chủng vì nhiều lý do cộng lại, chứ không phải vì một thứ cụ thể", bà Hamel cho biết.
Tiffany Addotey, tài xế xe bus 42 tuổi ở Bắc Carolina, cho biết cô đã có trải nghiệm không dễ chịu khi làm xét nghiệm nCoV.
"Một số nơi tính phí 200 USD cho mỗi lần xét nghiệm. Tôi không trả tiền mà đi về nhà luôn. Tôi đã có quá nhiều hoá đơn phải chi trả rồi", cô nói.
Addotey lo ngại cả về sự an toàn của vaccine do chúng được phát triển quá nhanh chóng, cũng như động thái dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson của chính phủ gần đây.
Thục Linh (Theo NY Times)