Tại Colombia, ba tuần liền, mỗi ngày có khoảng 500 người chết vì Covid-19. Argentina cũng trải qua "thời kỳ tồi tệ nhất từ khi đại dịch bắt đầu", theo lời Tổng thống Alberto Fernández. Tỷ lệ tử vong theo đầu người ở Paraguay và Uruguay cao nhất thế giới. Các chuyên gia cảnh báo Malaysia "không còn nhiều thời gian trước bờ vực thẳm", bác sĩ có thể phải lựa chọn giữa các bệnh nhân để điều trị.
"Vaccine đến quá muộn", María Victoria Castillo, một phụ nữ Argentina vừa mất chồng vì Covid-19 hồi tháng 5, nói.
Các chuyên gia cho rằng cách duy nhất để đẩy lùi virus là tăng tốc tiêm chủng. Song viễn cảnh "bình thường mới" còn rất xa với các nước thiếu vaccine .
Các nước đang phát triển và thu nhập thấp giành giật để có từng liều vaccine, hấp hối trước một hệ thống y tế rệu rã, nền kinh tế kiệt quệ vì đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu dịch. Malaysia, Nepal và nhiều quốc gia châu Á là minh họa rõ nhất. Tình hình ở Nam Mỹ cũng ảm đạm. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Uruguay, Argentina, Colombia và Paraguay đều đứng trong top 10 những nơi có số ca mắc trên 100.000 người cao nhất tuần qua.
Mạng xã hội Paraguay trở thành trang cáo phó điện tử. "Xin giáo sư hãy yên nghỉ", một người đăng tải. "Mẹ tôi đã mất. Tim tôi như vụn vỡ thành triệu mảnh", người khác viết.
Nhiều nước không nhận đủ lượng vaccine như đã hứa hẹn, trong đó có cả Việt Nam. Theo New York Times, Việt Nam "giữ được mức lây nhiễm thấp thông qua kiểm dịch và truy vết nghiêm ngặt trong suốt năm 2020".
Chính phủ đặt hàng nhiều nhà cung cấp, song phần lớn lượng vaccine nhận được đến nay chỉ là từ Covax. Gần một triệu người, tương đương 1% dân số, được tiêm một liều vaccine. Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát lớn nhất kể từ khi Covid-19 lây lan.
Tại Buenos Aires, Argentina, phần lớn trường học bị đóng cửa để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Castillo cho biết cái chết của chồng khiến cô tuyệt vọng đến mức tin rằng "giải pháp duy nhất của trái đất lúc này là Chúa trời".
Đến nay, chỉ 6,3% dân số nước này đã tiêm chủng đầy đủ, 15% được tiêm một liều vaccine.
Tháng 4, Claudia López, thị trưởng Bogotá của Colombia, cảnh báo người dân nên sẵn sàng cho "hai tuần tồi tệ nhất" cuộc đời. Song thay vì đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt như các đợt bùng phát trước, số ca nhiễm và tử vong nước này tăng mạnh và duy trì lâu hơn hai tuần.
Cuối tháng 5, thị trưởng López thông báo mở cửa trở lại Bogotá vào ngày 8/6. Bà cũng dỡ gần như toàn bộ lệnh hạn chế di chuyển, học sinh được phép đi học tại trường.
"Việc mở cửa trở lại khi ICU đang hoạt động với 97% công suất nghe có vẻ rất mâu thuẫn từ quan điểm dịch tễ học. Song nhìn ở góc độ xã hội, kinh tế, chính trị, khi sự ngờ vực thể chế gia tăng, tình trạng nghèo đói và thất nghiệp nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ và người trẻ, đây là điều nên làm", bà nói.
Ở Colombia, ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng cùng lúc với tình trạng bất bình xã hội. Hàng nghìn người xuống đường biểu tình vì nạn đói nghèo ngày càng trầm trọng do đại dịch. Trong khi đó, chưa đến 7% dân số đã tiêm hai liều vaccine.
Argentina, Nam Phi, Malaysia, Thái Lan phải phong tỏa để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe ngày càng nghiêm trọng. Những nơi khác, với tình hình căng thẳng không kém, đã từ bỏ hoàn toàn chiến lược này.
Giống với nhiều nước Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đến nay, khoảng 3,5% dân số Malaysia đã tiêm một liều vaccine, con số ở Thái Lan là 1,6%. Thái Lan có kế hoạch mở rộng nguồn cung vaccine bằng cách bật đèn xanh cho các bệnh viện tư nhân tiêm chủng trả phí. Song phải đến quý ba, nước này mới nhận thêm 5 triệu liều vaccine của Moderna.
Claire Standley, giáo sư trợ lý tại Đại học Georgetown, nhận định: "Các nước trải qua đợt bùng phát mới vì nhiều nguyên nhân khác nhau, song tựu chung lại đều phản ánh thách thức của việc đối phó với loại virus lây truyền trong không khí thời gian dài, bên cạnh duy trì hoạt động kinh tế, xã hội".
Số ca nhiễm toàn cầu đã giảm so với mức kỷ lục 800.000 ca hồi tháng 4. Song mỗi ngày vẫn có nửa triệu người mắc bệnh. Lượng bệnh nhân trong 5 tháng đầu 2021 cao hơn nhiều so với cả năm 2020 cộng lại.
Khi Covid-19 kéo dài, các nước kiểm soát dịch thành công trong năm ngoái như Australia và Singapore cũng ghi nhận các ổ dịch mới. Chính phủ buộc phải phong tỏa một phần, trì hoãn kế hoạch mở cửa biên giới.
Matthew Richmond, chuyên gia xã hội học tại Trường Kinh tế London, cho biết các nước Nam Mỹ nhận ra rằng biện pháp phong tỏa tại đây không hiệu quả như ở Mỹ và châu Âu, bởi nhiều lao động thu nhập thấp phải tiếp tục làm việc.
"Thái độ bất bình với xã hội và hành động yếu kém của chính phủ khiến các nước không thể giảm tỷ lệ lây truyền, điều trị cho bệnh nhân nghiêm trọng hoặc tiêm chủng nhanh như Mỹ hay châu Âu", ông Richmond nói.
Tháng 3, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ gửi 2,5 triệu liều vaccine đến Mexico, 1,5 triệu liều đến Canada dưới hình thức cho vay. Tháng 4, Mexico cho biết đã nhận được 2,7 triệu liều. Mỹ cam kết phân phối 80 triệu liều vaccine ra nước ngoài vào cuối tháng 6. Chính quyền Biden cũng tài trợ 4 tỷ USD cho sáng kiến Covax, chương trình tiêm chủng công bằng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tiến sĩ Standley nói: "Chương trình vaccine toàn cầu thiếu công bằng đến đáng kinh ngạc. Nước thu nhập cao thống trị hợp đồng mua sắm và nhận những lô hàng đầu tiên".
Các nước phát triển hướng tới một mùa hè tươi sáng. Người đã tiêm vaccine có thể đi du lịch, tổ chức tiệc tối, ôm nhau mà không phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới chìm trong dịch bệnh. Lúc này, tình trạng "phân biệt chủng tộc vaccine" sẽ xuất hiện. Các quốc gia giàu có ngừng giao du với các nơi virus còn là mầm bệnh đặc hữu (lưu hành lâu dài).
Song các đợt bùng phát mới cho thấy không nơi nào an toàn, cho đến khi toàn thế giới an toàn. Biện pháp phong tỏa hiện còn rất ít tác dụng, biến thể mới có khả năng giảm hiệu quả của vaccine.
Thục Linh (Theo NY Times)