Sau loạt thông tin liên quan lương hưu và thực trạng "rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao" đăng trên VnExpress, tôi đọc được rất nhiều đoạn độc giả trung niên bàn luận quan điểm sống tự tại ở tuổi xế chiều. Họ mong không đau đầu về tiền bạc, mưu sinh, an hưởng bên cháu con. Một số ý kiến nhấn mạnh cần chuẩn bị từ sớm để đạt mục tiêu đề ra, hay cụ thể "tự do tuổi 50".
Chờ đợi gì ở tuổi 50?
Trên Facebook, nhiều người thường nói trong mỗi giai đoạn cuộc đời, ai cũng đặt ra mục tiêu cụ thể để theo đuổi. Không ít người cẩn trọng hơn khi bước vào cột mốc 50, tự đặt giới hạn cho bản thân, dẫn đến đời sống tinh thần, tận hưởng cuộc sống ngày một giảm vì lý do "có tuổi rồi".
Thực tế, tuổi tác không phải là yếu tố cản trở lứa trung niên sống tận hưởng, mà chủ yếu là do trở ngại về tâm lý lẫn sức khỏe. Những điều ấy có thể khắc phục, chỉ cần ta nhìn nhận rõ vấn đề.
Anh Hà Quốc Tuấn (47 tuổi, TP HCM) nói với tôi điều anh quan tâm nhất hiện nay là duy trì sức khỏe. Anh ấy muốn giảm thêm vài cân trước khi bước vào tuổi 50 để tránh tình trạng cơ thể xuống dốc. Đó là lý do mỗi ngày dù bận rộn, anh vẫn tranh thủ tập luyện thể dục, thể thao.
Đồng quan điểm, Tô Linh Phương (33 tuổi, TP HCM) cho rằng thể chất tốt sẽ giúp các cá nhân độc lập hơn ở tuổi trung niên. Chẳng hạn, cô có thể chăm sóc cơ thể bằng cách ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, tranh thủ thời gian chạy bộ, yoga... và nhất là thiền.
Tôi đồng tình khi Phương nói tài chính ổn định sẽ giúp giai đoạn sau 50 tự do hơn. Theo kế hoạch, cô ấy muốn có ít nhất 3-4 khoản tiền đổ về tài khoản mỗi tháng, trong đó có hai nguồn thu nhập thụ động.
"Tôi sẽ xây dựng ngôi nhà mơ ước ở Đà Lạt và trồng thật nhiều hoa. Không phải lo nghĩ quá nhiều về tài chính là ‘liều thuốc’ tinh thần tốt nhất", Phương nói khi gặp tôi tuần trước.
Chị Đào Phương Nhi (43 tuổi, TP HCM) cũng nói một trong những hành trang cần chuẩn bị kỹ từ nay đến khi nghỉ hưu là khoản tài chính vững chắc, ít nhất đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, chị cũng dành riêng một khoản chăm sóc bản thân, sức khỏe hay du lịch.
Lê Thanh Hùng (35 tuổi, TP HCM) nhận định tuổi 50 sẽ tự do nếu có tinh thần tốt. Cụ thể, anh hình dung viễn cảnh gia đình êm ấm, vui vẻ, có mái nhà để về, có thể phụng dưỡng bố mẹ. Về giao tiếp xã hội, anh cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp nhất.
Đích đến liệu có viển vông?
Tôi đọc nghiên cứu "Cuộc sống độc lập khi về già" của Prudential hợp tác với công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam thực hiện năm 2020, 85% người Việt mong muốn có một cuộc sống tự do sau tuổi 50, tôi là một trong số đó. Khảo sát cũng cho thấy sức khỏe thể chất là mối quan tâm hàng đầu (59%), tiếp đến là tinh thần (30%) và tài chính (11%).
Dù vậy, thách thức đặt ra cho trạng thái độc lập tuổi trung niên chủ yếu do các cá nhân chậm bắt tay hiện thực hóa mong muốn. Chẳng hạn về tự do tài chính, nghiên cứu trên chỉ ra 4 trong 10 người Việt đã lên kế hoạch, hành động cụ thể cho giai đoạn sau về hưu. Có tới 41% nam giới được hỏi cho biết họ chưa có phương án gì cho tuổi sau 50.
Các chuyên gia tin rằng những sự kiện bất ngờ và để lại hậu quả sâu rộng như Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tự do tuổi 50 của nhiều người. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hơn 28,2 triệu lao động chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch trong quý 3. Số thất nghiệp trong độ tuổi lao động vượt quá 1,7 triệu người, tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ thiếu việc làm, sau nhiều tháng giãn cách xã hội, số người cần trợ cấp tăng vọt. Thông tin mới nhất từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM ngày 20/11 cho thấy TP HCM đã chi trả các khoản hỗ trợ dịch cho hơn 8,7 triệu dân và hơn 100.000 doanh nghiệp, với tổng 12.000 tỷ đồng.
Gia đình anh Hồng Minh (quận 7, TP HCM) là ví dụ điển hình của việc đảo lộn các dự tính cho giai đoạn trung niên vì dịch. Vợ chồng anh giảm một nửa thu nhập trong nhiều tháng, phải dùng tới quỹ tiền về hưu mới lập ra một năm. "Chúng tôi đã tiêu gần 2/3 quỹ hưu mới đủ trang trải cuộc sống. Chưa kể cả hai còn sợ sức khỏe sớm lao dốc do phải lao lực nhiều hơn", anh Minh tâm sự với tôi.
Tôi cho rằng tự do tuổi 50 sẽ xa vời nếu bạn không có sự chuẩn bị từ sớm, nhất là trong bối cảnh biến cố lớn bất ngờ ập tới, tác động toàn xã hội như Covid-19. Vì thế, mọi người cần lên lộ trình, triển khai nhanh và nghiêm túc tất cả yếu tố giúp "độc lập tuổi già" gồm: sức khỏe thể chất, tinh thần, tài chính và các mối quan hệ xã hội...
Hùng Cường (ảnh: Nhân vật cung cấp)
Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.