Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch - Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, ngày 18/6 cho biết phình động mạch chủ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như phình tách hoặc vỡ động mạch. Đa số trường hợp phình động mạch chủ là do tăng huyết áp.
Bệnh nhân này, ngoài bệnh lý phình động mạch chủ bụng, khi siêu âm tim các bác sĩ phát hiện ông còn bị giãn động mạch chủ ngực - một hậu quả nữa do tăng huyết áp. Tình trạng chưa đến mức phải can thiệp cấp cứu, tuy nhiên nếu ông không kiểm soát huyết áp thì động mạch chủ ngực cũng có thể giãn to hơn làm hở van hoặc phình động mạch chủ ngực.
Ngoài ra, tăng huyết áp còn gây lóc tách động mạch chủ ngực. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với lóc tách động mạch chủ type A, tỷ lệ tử vong tăng dần 1% sau mỗi giờ trong 48 giờ đầu. Số bệnh nhân còn lại phải phẫu thuật cấp cứu cưa xương ức mở ngực và thay đoạn động mạch chủ.
Thực tế, khi được bác sĩ phát hiện bị tăng huyết áp, bệnh nhân 68 tuổi này không tin. "Ở nhà tôi đo huyết áp thường xuyên nhưng không phát hiện được cơn tăng", ông nói với bác sĩ.
Khi nhập viện, chỉ số huyết áp của ông đo được trung bình sau ba lần là 150/90 mmHg. Bệnh nhân sau đó được đo huyết áp thường xuyên để loại trừ khả năng tăng huyết áp do tâm lý khi tiếp xúc với nhân viên y tế (còn gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng). Kết quả xác định ông bị tăng huyết áp độ 2.
"Như vậy, chính thói quen đo huyết áp chưa đúng cách đã khiến người bệnh chủ quan và không phát hiện ra mình bị tăng huyết áp", bác sĩ Bình nói.
Bác sĩ Bình cho biết, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch. Gần đây, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện bởi các bệnh lý tim mạch nguy hiểm kèm theo tăng huyết áp.
Một nam bệnh nhân 45 tuổi làm nghề lái xe xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đánh trống ngực, khám tại bệnh viện địa phương được chẩn đoán bình thường. Một lần tình cờ anh phát hiện huyết áp lên 160, kiểm tra lại 7-8 lần sau đó huyết áp vẫn ở mức khoảng 150-160. Bệnh nhân lại đến viện khám nhưng khi đo huyết áp tại bệnh viện thì ở mức bình thường.
Nghĩ mình bị rối loạn tiền đình, anh sử dụng thuốc tăng cường tuần hoàn máu não, tình trạng không cải thiện. Anh đến Bệnh viện Việt Đức khám, tiến hành các xét nghiệm cơ bản về tim mạch, chẩn đoán bị "tăng huyết áp ẩn giấu". Bác sĩ cho bệnh nhân đeo máy đo huyết áp liên tục trong 24 giờ, kết quả xác định bị tăng huyết áp độ 2.
Tăng huyết áp thường ít triệu chứng, khiến nhiều người không phát hiện bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.
Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ.
Cụ thể, có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân). Cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.
Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều. Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp y bác sĩ theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ...) trong quá trình điều trị.
Ngày 27/6, Bệnh viện Việt Đức tổ chức Chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp. Người dân tham gia chương trình sẽ được đo huyết áp, điện tim đồ miễn phí và siêu âm tim miễn phí. Đăng ký trực tiếp qua tổng đài 19001902.