Khoảng 5,7 triệu người không biết mình bị tăng huyết áp; 1,6 triệu người biết mà không điều trị. Hơn 2,5 triệu người điều trị nhưng chưa đưa được huyết áp về mức bình thường. Điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, công bố hôm nay nhân Ngày Tăng huyết áp Thế giới (17/5).
Chủ đề Ngày Tăng huyết áp Thế giới năm nay là nâng cao nhận thức của người dân về tăng huyết áp. Thông điệp là "Đo huyết áp 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm tăng huyết áp". Mục tiêu đến năm 2025, người Việt Nam trên 40 tuổi được đo huyết áp ít nhất mỗi 6 tháng một lần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong toàn cầu, cao hơn các nguyên nhân khác. Đây cũng là yếu tố nguy cơ nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.
WHO ước tính có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp. Số bệnh nhân tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.
Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí tử vong.
"Tăng huyết áp thực sự là vấn đề sức khỏe đáng báo động", ông Việt nói.
Ông Việt nhận định, nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp chưa đầy đủ. Cách hữu hiệu nhất để đối phó với bệnh tăng huyết áp, đặc biệt ở người già, là thay đổi lối sống.
Luôn giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, giảm ăn muối, kiêng rượu, thuốc lá và chất kích thích. Tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
Cần rèn luyện thể lực, thể dục thể thao thường xuyên.
Nên thu xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý bao gồm cả nghỉ ngơi tích cực như nghe nhạc, xem báo chí... Bảo đảm ngủ đủ, tránh stress, căng thẳng thần kinh.
Gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh tăng huyết áp, thì phải tuân thủ lối sống lành mạnh chặt chẽ hơn. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và giải quyết các nguy cơ nếu có.
Người bệnh tăng huyết áp cần điều trị liên tục, lâu dài, có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc.