Đang học dở cao học trên TP HCM, chị Nga cấn bầu ngoài ý muốn. Sau khi sinh cu Bin được 10 tháng, chị quyết định đi học trở lại. Nhờ có bà nội chăm bé nên chị Nga vừa có thời gian chu toàn công việc cơ quan, vừa tất tả đi về gần 100 km đoạn đường Bến Tre - TP HCM để theo kịp chương trình học.
Đến khi bé 25 tháng tuổi, chị thấy con có biểu hiện như hay xoay người vòng vòng, không chỉ tay mà thích gì thì kéo tay người lớn đến lấy, thích bật và tắt công tắc đèn liên tục, đi nhón gót..., chị cho con đi khám tâm lý. Khi bác sĩ chẩn đoán bé có biểu hiện của chứng tự kỷ, cần theo dõi thêm, chị Nga suy sụp hoàn toàn.
Chưa hết bàng hoàng, chị Nga "chết đứng" khi họ hàng, gia đình bên nội trách chị tham công danh, không chăm sóc con chu đáo mới khiến con mang bệnh. "Vừa chới với vì bệnh của con, vừa sống trong tâm trạng hối hận dày vò nên tôi đâm bệnh. Sau một thời gian lao vào nghiên cứu tài liệu về trẻ tự kỷ, tôi dần hiểu ra chứng bệnh của con không phải lỗi do mình nên mới bình tâm hơn để cùng con đối diện mọi thứ", chị Nga trải lòng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nhiều gia đình khi trẻ được chẩn đoán tự kỷ thường có tâm lý đổ lỗi cho người mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc. Bên cạnh đó, không ít bà mẹ cũng tự trách mình đã không chăm lo tốt nên mới đẩy con tới nông nỗi bị bệnh.
Trên thực tế trẻ tự kỷ hoàn toàn không do lỗi của cha mẹ hay do việc nuôi dưỡng không tốt. Nguyên nhân gây tự kỷ rất phức tạp. Trong hầu hết trường hợp, tự kỷ có thể được gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ di truyền tương tác với các yếu tố nguy cơ của môi trường như mẹ nhiễm rubella, nhiễm hóa chất...
Theo bác sĩ Thanh, ngay cả nhà chuyên môn vẫn có người cho rằng trẻ tự kỷ là do cha mẹ không chăm sóc con. Cần phân biệt trẻ tự kỷ và trẻ trầm cảm vắng mẹ. Trầm cảm vắng mẹ thường xảy ra khi trẻ xa mẹ quá 3 tháng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ trầm cảm. Có đứa trẻ sinh ra bất đắc dĩ, ngoài ý muốn, tư tưởng bố mẹ chưa sẵn sàng nên ngay từ trong bụng mẹ, trẻ đã mang tâm lý bị chối từ. Những giằng co trong suy nghĩ người mẹ "nên giữ hay nên bỏ con" trong lúc mang thai sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ do bận đi làm ăn, bận đi học, thường xuyên đi công tác... nên khi sinh con ra, phải gửi con cho ông bà hoặc phó mặc con cho người giúp việc chăm sóc, ít có thời gian gần con. Hiện nay nhiều bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ nên tình cảm mẹ con cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trẻ được xem tivi, chơi điện tử quá nhiều thay vì được cho chơi những trò phát triển trí não... cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt. Sự trầm cảm vắng mẹ này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, cảm xúc của trẻ, nhiều trường hợp kéo dài đến tuổi vị thành niên và trưởng thành.
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh, trầm cảm vắng mẹ có triệu chứng gần giống trẻ tự kỷ như thờ ơ, chán ăn, nôn ói, không thích giao tiếp..., nhưng chỉ cần 3-6 tháng mẹ chơi với con, tình hình sẽ cải thiện rất rõ. Nếu mẹ dành thời gian gần gũi trẻ, các triệu chứng sẽ dần biến mất còn nếu trẻ tự kỷ thì các triệu chứng sẽ thường theo trẻ suốt cuộc đời và phải tiến hành các biện pháp can thiệp, trị liệu sớm mới có thể giúp cải thiện phần nào.
Lê Phương