Trong hai ngày 29 và 30/4, các bãi tắm du lịch ở Đà Nẵng như Mỹ Khê, T20, Phạm Văn Đồng, Phước Mỹ, Mân Thái..., thu hút đông đảo người dân đến tắm biển.
Theo thống kê của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, tính riêng chiều 30/4, gần 20.000 người dân và du khách đi tắm biển, tập trung chủ yếu ở khu vực đường Võ Nguyên Giáp, đoạn từ bãi tắm Mỹ Khê đến Mân Thái (dài khoảng 4,5 km).
Số người tắm biển dịp nghỉ lễ đông hơn so với ngày thường, nhưng so với 30/4 và 1/5 năm 2019 (khi chưa bùng phát dịch Covid-19), chỉ bằng gần một nửa.
Dịp lễ năm nay, nhiều người dân địa phương và du khách đã chấp hành nghiêm túc khuyến cáo đeo khẩu trang. Lên bờ sau hơn nửa giờ tắm biển, khẩu trang vẫn đeo kín mặt, một du khách Hà Nội cho biết dù cảm giác khó thở, không thể ngụp lặn được, nhưng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên anh cùng con trai chấp hành "5K" để an toàn hơn cho bản thân khi đến nơi công cộng.

Người dân đeo khẩu trang khi tắm biển Đà Nẵng, chiều 29/4. Ảnh: Nguyễn Đông.
Chị Hồng (38 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) cho hay mùa hè nóng bức nên buổi chiều chị rất thích được ngồi trên bãi cát thư giãn và tắm biển. "Đeo khẩu trang rất bất tiện. Nhưng tôi thấy trên bãi biển dịp này đông người, cần thiết đeo khẩu trang và đứng giãn cách", chị nói.

Bãi biển Đà Nẵng đông đúc người dân và khu khách tắm trong kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết thành phố chưa áp dụng quy định giãn cách xã hội hay lệnh cấm tắm biển. Hệ thống loa phóng thanh dọc bãi biển giờ cao điểm luôn phát thông báo khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp "5K".
Theo ông Vũ, các nhân viên làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự và cứu hộ ở bãi biển thường xuyên sát khuẩn tay, đeo khẩu trang (trừ lúc thổi còi cảnh báo người dân ra khu vực biển nguy hiểm, cấm tắm). Họ đứng giãn cách và nhắc nhở những người không tắm biển sử dụng khẩu trang.

Người dân chấp hành đeo khẩu trang khi đi dạo, trong khi nhiều người còn lơ là trong phòng chống Covid-19. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Việc đeo khẩu trang khi đến bãi biển hoặc tắm biển phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Chúng tôi mong muốn mọi người đến với bãi biển ở Đà Nẵng đều có ý thức tốt", ông Vũ nói.

Một nhóm bạn trẻ đeo khẩu trang khi chơi vận động tại bãi biển Phạm Văn Đồng, sáng 30/4. Ảnh: Nguyễn Đông.
Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Đà Nẵng đã dừng tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, âm nhạc, giải trí để tránh tập trung đông người. Các điểm du lịch của thành phố thực hiện nghiêm việc yêu cầu khách đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt, đứng giãn cách.
Sau hơn một tháng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, Việt Nam ghi nhận chuỗi lây nhiễm nội địa mới liên quan đến bệnh nhân quê Hà Nam, dương tính khi về nhà sau cách ly tập trung 14 ngày tại Đà Nẵng. Liên quan đến cụm dịch này, đến nay đã ghi nhận 13 ca nhiễm ở Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội và TP.HCM.
Đà Nẵng chưa ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt dịch này. 28 người Đà Nẵng là F1 của ca bệnh 2899, đã có kết quả xét nghiệm lần một âm tính với nCoV.