Ghi nhận kết quả Đà Nẵng đã đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, Chủ tịch nước lưu ý thành phố đang có lượng du khách lớn, nhất là đường hàng không, do đó Đà Nẵng cần sẵn sàng kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch nếu có ca bệnh xuất hiện trên địa bàn.
Theo ông, chỉ có khoanh vùng, dập dịch nhanh, phát hiện sớm mới giải quyết được dịch bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm quý mà các nước đã nghiên cứu ở Việt Nam, nhất là việc ứng dụng công nghệ thần tốc truy vết.
Chủ tịch nước nói dịch bệnh xảy ra đúng thời điểm nghỉ lễ, vì vậy, các cơ quan chức năng không thể nghỉ ngơi mà cần dành hết thời gian, công sức để giữ gìn thành quả chống dịch của Việt Nam.
"Nếu khủng hoảng ngành y tế sẽ dẫn đến khủng hoảng nền kinh tế", ông nói và giao nhiệm vụ cho các địa phương, ngoài thông điệp 5K, mở rộng tiêm vaccine, cần thêm một "K" thứ 6 là "không để xảy ra xâm nhập trái phép".
Theo bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, đây là một trong những nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ đầu dịch ở Việt Nam; hiện đơn vị đang điều trị cho 58 ca mắc Covid-19, là những người nhập cảnh trên các chuyến bay hồi hương; trong đó 14 bệnh nhân đã có ba lần xét nghiệm âm tính.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có đầy đủ trang thiết bị y tế để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19, kể cả những ca bệnh nặng. Hôm qua, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, kết quả đều âm tính.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết dịp lễ 30/4 và 1/5, Đà Nẵng đón khoảng 130.000 lượt khách. Thành phố đã quyết định dừng tất cả các sự kiện tập trung đông người, khuyến cáo người dân tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế; dự trữ sinh phẩm, thiết bị y tế để chuẩn bị cho cả tình huống có dịch xảy ra.
Liên quan đến bệnh nhân 2899, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết đã lấy mẫu xét nghiệm 28 người tiếp xúc gần (F1). Đến trưa 30/4, 27 người có kết quả xét nghiệm lần một âm tính, người còn lại lấy mẫu sau nên đang chờ kết quả. Tất cả F1 đang được cách ly tập trung.
Sáng nay, Bệnh viện 199 (Bộ Công an, đóng tại Đà Nẵng), cũng lấy mẫu xét nghiệm cho 39 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 3. Các chiến sĩ này là F2, vì trước đó có tiếp xúc gần với F1 của ca 2899.
"Bệnh nhân 2899" 28 tuổi, trú ở Hà Nam, là lao động tự do ở Nhật Bản. Ngày 7/4, anh này từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 nhập cảnh sân bay Đà Nẵng, được cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ngành y tế đã ghi nhận 10 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV trên chuyến bay này.
Ngày 21/4, sau khi hết cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, "bệnh nhân 2899" đi xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam cách ly tại nơi lưu trú.
Hôm 24/4, bệnh nhân khởi phát với các triệu chứng ho, sốt, đau họng và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Ngày 30/4, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành: Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM chỉ đạo triển khai mở rộng điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với "bệnh nhân 2899", "thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế".