Từ khi bước vào kinh doanh tôi đã phải từ chối rất nhiều những cuộc ăn nhậu bàn bạc của đối tác, đánh đổi lại tôi nghĩ mình đã có sự bình yên và hạnh phúc với gia đình. Vì thực lòng, tôi cũng không thích bàn bạc kinh doanh kết hợp với ăn nhậu. Ăn ra ăn, công việc ra công việc.
Sếp của tôi là người nước ngoài, ông cũng chiều đối tác đi ăn, chứ thực lòng thì cũng chẳng thích tí nào vì họ hiểu ở Việt Nam phải theo cách thức như vậy. Trong kinh doanh thì có cả đối nội và đối ngoại. Đối ngoại thì ăn nhậu với đối tác, còn đối nội thì quà cáp cho sếp, nhân viên với nhau thì mượn cớ sinh nhật, tăng lương, tăng cấp bậc đi ăn nhậu.
Thật lòng tôi thấy mình rất may mắn khi được làm trong công ty hiện tại. Sếp của tôi chẳng bao giờ muốn nhân viên tặng quà hay đến nhà thăm hỏi bao giờ. Nếu vợ của sếp sinh con thì chúng tôi cũng chỉ rủ nhau đi thăm vợ sếp tại bệnh viện và với tư cách là công ty mua quà quan tâm, chút sữa hoặc quà bánh đơn giản. Tết đến thì sếp lại có chút quà tặng cho chúng tôi và không nhận bất cứ quà gì mà nhân viên tặng. Bản thân người giám đốc họ nghĩ gì? Họ nghĩ chúng tôi là nhân viên và làm lợi cho công ty và chúng tôi là người cần được nhận quà. Còn nhân viên với nhau thì chúng tôi cũng chỉ mỗi năm một lần là tụ họp ăn uống vào cuối năm. Sinh nhật ai thì mua cái bánh cái kẹo vào chia nhau ăn cũng là tình cảm quan tâm đến nhau.
Tôi không biết liệu văn hóa trong giao tiếp kinh doanh của Việt Nam mình có thay đổi được không. Thực tế, xung quanh mình còn quá nhiều những cuộc ăn nhậu mang danh nghĩa kinh doanh, và khi nói ra mọi người ai cũng cho rằng đó là hiển nhiên, chẳng có gì phải bàn.