Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội cho thấy một số bộ, cơ quan trung ương có số ôtô vượt định mức so với quy định, như Bộ Thông tin & Truyền thông (41 xe), Kho bạc Nhà nước (7 xe), Bộ Công Thương (13 xe), Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (11 xe)... Các cơ quan, đơn vị cũng chưa rà soát, sắp xếp lại ôtô theo quy định, có đơn vị chưa làm thủ tục thanh lý với những xe đủ điều kiện.
Không riêng các bộ, ngành, tại các địa phương tình trạng xe công vượt định mức, tiêu chuẩn cũng diễn ra. Trong số các địa phương được Kiểm toán Nhà nước "điểm danh", tỉnh Thừa Thiên Huế vượt 125 xe, Tây Ninh 66 xe, Thanh Hoá 12 xe, Quảng Ninh 27 xe, Hà Tĩnh 3 xe...
Theo Nghị định 63/2019 về mức phạt hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, trường hợp sử dụng xe công vào mục đích cá nhân hoặc cho công tác nhưng với các chức danh không có tiêu chuẩn mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt... sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích.
Cũng tại báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tình trạng một số đơn vị sự nghiệp cho thuê tài sản nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. Hoặc có địa phương chưa kịp thời triển khai lập và trình cấp có thẩm quyền đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê của các đơn vị sự nghiệp.
Công tác quản lý đất đai còn tồn tại như giao đất không đúng đối tượng hoặc giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án. Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định còn trình trạng giao đất rừng sản xuất không thu tiền thuê đất, quản lý chưa chặt chẽ, chưa xử lý quyết liệt, kịp thời vi phạm về đất đai.
Anh Minh