40% người được hỏi nói rằng họ có "khối lượng công việc nhiều hơn trước", và 41% cần làm việc ngoài giờ hành chính để cân bằng cả công việc và gia đình. Đây là kết quả khảo sát tháng 8/2021 về chủ đề "Covid-19: Cha mẹ đi làm nói gì?" của hãng tuyển dụng Adecco Việt Nam với 390 người, trong đó hơn 58% số đó đang làm việc tại nhà.
Đáng chú ý, có 59% bà mẹ và 42% ông bố nói rằng họ phải thay đổi thói quen làm việc để đảm bảo trách nhiệm gia đình. Hơn một phần tư số cha mẹ đi làm bị kiệt sức khi cố gắng cân bằng công việc và gia đình, và điều này cũng phổ biến với các bà mẹ hơn các ông bố (tương ứng là 28% và 22%).
Adecco cho biết, trước đây, 39% các bậc cha mẹ đang đi làm có người thân phụ giúp việc chăm sóc con cái. Trong đợt bùng phát dịch gần đây, do giãn cách kéo dài, có đến 63% phụ huynh tự chăm sóc con cái mà không có ai hỗ trợ.
Vì vậy, thời gian làm việc nhà và chăm sóc con cái đã tăng lên đáng kể. Trước đại dịch, cha mẹ dành khoảng 16,9 giờ mỗi tuần cho những công việc này. Hiện tại, con số này tăng vọt lên 23,2 giờ mỗi tuần. Sự gia tăng ở người mẹ đáng kể hơn bố.
Tuy nhiên, các ông bố trải qua nhiều biến động hơn trong công việc. Có tới 25% bị cắt giảm lương, so với 12% các bà mẹ. 29% các ông bố thậm chí còn xem xét lại mục tiêu nghề nghiệp của họ.
Khi tìm hiểu sâu hơn về những lo lắng, kết quả khảo sát cho thấy các bà mẹ căng thẳng hơn trong các vấn đề về sự an toàn và sức khỏe của gia đình, việc thiếu người chăm sóc con cái, và vấn đề mua sắm hàng hóa. Trong khi đó, các ông bố lo lắng hơn về tình trạng tài chính, sự đảm bảo và triển vọng công việc, cũng như mối quan hệ với bạn đời của họ.
Để tránh kiệt sức, duy trì hiệu suất và tinh thần tích cực trong thời điểm này, ông Eric Asato, Quyền Giám đốc, bộ phận Tư vấn & Phát triển Nghề nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam, khuyến nghị lao động áp dụng Kỹ thuật Pomodoro.
Cụ thể, nên hoàn thành một nhiệm vụ duy nhất trong 25 phút sau đó dành 5 phút nghỉ ngơi, dù đó là việc nhà hay công ty. Ông khuyến khích những ông bố khác giúp đỡ bạn đời của họ giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái và việc nhà.
Về động thái hỗ trợ của doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp với phụ huynh đi làm còn nhiều hạn chế. Việc bố trí làm việc linh hoạt là hình thức phổ biến nhất (54%). Hơn một phần ba số doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào cho nhóm này. Một tỷ lệ nhỏ cung cấp các chương trình sức khỏe tâm thần và sức khỏe chung (12%), và trao đổi/chia sẻ thường xuyên với các bậc cha mẹ (8%).
Các phụ huynh thì mong đợi nhiều hơn thế. Chế độ làm việc linh hoạt vẫn là điều được mong đợi nhất với gần 48% người tham gia khảo sát. Tiếp theo đó là trợ cấp chăm sóc trẻ em (35%), các chương trình sức khỏe tâm thần và sức khỏe chung (30%), thêm ngày nghỉ hưởng lương (26%).
Ông Chương Nguyễn, Phó giám đốc bộ phận Tuyển dụng, Văn phòng TP HCM của Adecco Việt Nam, khuyến nghị các doanh nghiệp nên bắt đầu với một lịch trình làm việc linh hoạt nhằm giúp đỡ các bậc phụ huynh.
"Theo thời gian, tính linh hoạt có thể được mở rộng thành việc tự do chọn giờ làm việc trong một khung giờ cố định trong ngày, lịch làm việc thay đổi theo ngày, hoặc rút ngắn tuần làm việc còn 4 ngày mỗi tuần", ông nói. Vị chuyên gia còn gợi ý nhà tuyển dụng cân nhắc việc lập các nhóm cộng đồng để hỗ trợ cha mẹ đi làm, tổ chức các buổi thảo luận trực tuyến về các chủ đề gia đình và nuôi dạy con cái.
Ngoài chế độ làm việc linh hoạt vốn có thể áp dụng cho mọi nhân viên, người sử dụng lao động cũng nên xem xét thêm các phúc lợi đặc biệt hướng đến các cha mẹ đi làm như là trợ cấp chăm sóc trẻ em, quà tặng cho Ngày Thiếu nhi, hoặc chế độ nghỉ phép riêng cho cha mẹ.
Đồng thời, bộ phận nhân sự có thể đưa các chủ đề liên quan đến gia đình vào các sự kiện của công ty để thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của các bậc cha mẹ đi làm. "Khi bước vào 'bình thường mới', doanh nghiệp có thể tổ chức các sự kiện như ngày gia đình hoặc các đợt thăm văn phòng dành cho các bé", ông nêu ý tưởng.
Viễn Thông