Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho biết, các hợp tác xã nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như: đứt gãy chuỗi cung ứng, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng, tài chính của hợp tác xã và nông dân hạn chế.
Trong khi đó, theo ông, 80% lượng thực phẩm mà hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất được thu mua thông qua thương lái... Tức là các hợp tác xã chưa chủ động được đầu ra sản phẩm tới hệ thống phân phối, mà vẫn qua trung gian là các thương lái buôn. Do đó, khi các tỉnh áp dụng chỉ thị 16, thương lái ngưng mua khiến hoạt động buôn bán rau củ bị đình trệ và giảm mạnh.
Hiện rau củ quả trong vườn dân cũng như hợp tác xã khá nhiều nhưng khâu vận chuyển và bán buôn không dễ dàng. Theo ông Trương Ngọc Trọng, chủ Hợp tác xã trái cây ở Mỹ Hoà, Vĩnh Long, giá rau đang rất rẻ nhưng không tiêu thụ được. Các đầu mối thu mua trước đây của hợp tác xã này giảm 50% nên mỗi tuần chỉ bán được vài tấn rau quả.
"Giờ tình hình dịch càng căng nên tiểu thương chợ truyền thống chưa thể bán lại, trong khi đó, chợ đầu mối cũng chưa thể mở điểm trung chuyển. Vì thế, chúng tôi không có cách nào để đẩy mạnh tiêu thụ rau", ông Trọng nói và cho rằng, tình hình này sẽ còn khó khăn kéo dài.
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng cho hay đang có nhiều sản phẩm vào vụ thu hoạch hoặc sắp thu hoạch nhưng vẫn thiếu kết nối nên tỉnh này đang nhờ Bộ Công Thuơng, Tổ công tác phía Nam kết nối với các chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại hỗ trợ. Hiện số lượng lương thực, rau quả tại Vĩnh Long theo thống kê lên tới vài nghìn tấn.
Tương tự, tại Sóc Trăng, hàng trăm hợp tác xã cũng đang gặp khó trong tiêu thụ nông sản. Theo tỉnh này hiện nhãn, xoài, bưởi, vú sữa, cam sành, chanh đang và sắp vào vụ với tổng sản lượng dự kiến lên tới 100 tấn.
Để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị, các địa phương xem xét mở lại chợ đầu mối để hỗ trợ tiêu thụ nông sản; ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho người lao động, thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa... Đồng thời, giảm 50% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR với lái xe, phụ xe, lái tàu, phụ lái tàu, thuyền viên, người lao động của tổ hợp tác, hợp tác xã... tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian giãn cách xã hội.
Ông cho biết, Liên minh hợp tác xã xây dựng "kênh" hỗ trợ kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hoá do các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng. Cơ quan này cũng tổ chức kênh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây của các hợp tác xã địa phương tại chợ truyền thống, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị; chế biến, xuất khẩu và qua các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart, Voso... Một cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu (lmhtxvnmart.com.vn) cũng được Liên minh hợp tác xã đưa vào vận hành, để các hợp tác xã xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm, tìm đối tác.
Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã và đang kết nối các vùng trồng với doanh nghiệp và các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử.
Không chỉ giải quyết vấn đề ùn ứ, tồn kho nông sản hiện tại mà theo các Bộ, ngành cần xem xét lại vùng trồng và kết nối vùng trồng để tránh xảy ra tình trạng trên trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sắp tới các cơ quan liên quan phải xác định tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là quan trọng nhất để có định hướng sản xuất cho các địa phương. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ chế biến nông sản thực phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam.
Trong khi đó, Liên minh hợp tác xã, dự kiến xây dựng một sàn thương mại điện tử quảng bá, giao dịch sản phẩm nông, thủy sản cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. Dự kiến sàn này sẽ vận hành vào năm 2022.
Thi Hà - Anh Minh