Trước khi đọc bài này, tôi mong những ông bố, bà mẹ đang có con học phổ thông hãy kiềm chế lại "cái tôi", giảm bớt chút cảm xúc để dành một, hai phút nghĩ về con mình.
Có một thứ mà tôi nghĩ rằng trẻ con rất sợ, đó chẳng phải là "ông ba bị" bắt cóc trẻ con mà người lớn hay dọa, cũng chẳng phải đứa bạn cao lớn ở lớp hay bắt nạt nó. Thứ khiến trẻ không bị tổn thương về thể xác nhưng lại bị bào mòn về tinh thần, và cảm xúc gấp vạn những vấn đề kia chính là lời mắng mỏ, sự so sánh với "con nhà người ta" của bố mẹ khi trẻ bị điểm kém.
Tôi thử tìm kiếm từ khóa "tự tử vì điểm kém" trên Google thì thấy có đến gần 1,2 triệu kết quả, chỉ trong vòng 0.24 giây. Hãy thử làm một phép so sánh, kết quả tìm kiếm cho từ khóa "iPhone" là 1,4 triệu kết quả trong 0.36 giây. Có nghĩa là lượng trang tin đề cập, hoặc có liên quan tới nó xấp xỉ với lượng trang tin về từ khóa "iPhone".
Với kết quả mà Google đưa ra, đủ cho chúng ta thấy được vấn đề "áp lực bởi điểm kém" của những đứa trẻ được quan tâm như thế nào.
Tôi từng đi làm gia sư hồi học năm nhất. Mỗi câu chuyện của các em đều mang một điểm chung, đó là gánh nặng học tập. Có những em một ngày phải học bốn ca, từ 7h sáng cho đến 9h đêm tại lớp học thêm, để có thể chạy đua với những kỳ thi khiến chúng mệt nhoài, kiệt sức.
Có em tâm sự với tôi rằng, nhiều hôm nó khóc vì mệt quá, vì những lời ba mẹ trách móc sao "học nhiều mà vẫn kém", vẫn "chẳng bằng cậu X, cô Y nào đó nhà người ta".
Kỳ vọng ở con cái là điều thường thấy và dễ hiểu ở các bậc làm cha mẹ. Nhưng nếu như những đứa trẻ không thực hiện được điều mà bố mẹ mong muốn, thì một điều quá quen thuộc sẽ xảy ra.
Những lời so sánh với "con nhà người ta", những lý do được vẽ ra cho việc điểm kém, thậm chí là sự bực tức đến mức đánh đòn chúng. Cứ như vậy, vô hình trung bố mẹ đã tạo nên gánh nặng rất lớn trên đôi vai non nớt của trẻ.
Có thể những lời trách móc và quát mắng đó không có ý xấu, bởi ba mẹ nào chẳng thương con, mong con tốt. Đứa trẻ nào cũng hiểu điều đó, nhưng trẻ cảm nhận về những điều ba mẹ dành cho nó ra sao lại là chuyện khác.
Những trận đòn có thể qua đi, những vết thương thể xác có thể mau liền, nhưng với tâm hồn của một đứa trẻ, nó sẽ bị ám ảnh suốt cuộc đời bởi những lời trách móc đó của phụ huynh.
Sẽ thật đau đớn nếu nói rằng những lời trách móc, và so sánh của các bậc cha mẹ dành cho con khi bị điểm kém trên lớp chính là sự ngược đãi với chúng. Nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ khiến trẻ bị tổn thương cảm xúc, dẫu biết rằng những việc đó xuất phát từ một trái tim yêu con tha thiết.
>> Xem thêm: Trượt đại học khiến tôi thêm mạnh mẽ
'Học 10 điểm làm giám đốc, 2 điểm bán vé số' |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.