Tại hội thảo giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 14/7, PGS Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên gia cao cấp của Viện, chia sẻ nghiên cứu về chất lượng giáo dục Việt Nam 10 năm qua.
Ở sân chơi quốc tế, học sinh Việt Nam từng tham gia ba kỳ PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15) năm 2012, 2015, 2018 và giành kết quả ấn tượng. "Chúng ta khá nổi tiếng qua các kỳ PISA vì đều vượt mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)", bà Phương nói.
Theo thống kê của của Ngân hàng Thế giới năm 2020, trong kỳ PISA năm 2012, học sinh Việt Nam giành 508 điểm Đọc hiểu, cao hơn 20 điểm so với mức trung bình 496 của OECD, Toán 511/494, Khoa học 528/501. Kết quả này giúp Việt Nam lần lượt đứng thứ 19, 17 và 8 tương ứng với ba bài Đọc hiểu, Toán, Khoa học trên tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Ba năm sau, thứ hạng Đọc hiểu và Toán giảm còn 32/70, 22/70, học sinh Việt Nam vẫn khẳng định thành tích ở bài Khoa học với vị trí 8/70. Với bài Khoa học, Việt Nam nằm trong top 5 khu vực đạt thành tích cao nhất trong kỳ PISA 2015. Tuy nhiên, vào cùng thời điểm 2014-2015, đa số học sinh trung học lại chưa đạt chuẩn theo đánh giá quốc gia ở ba môn Toán, Sinh học và Tiếng Anh.
PGS Phương giải thích ở bậc tiểu học, các em được trang bị kỹ năng đọc, viết và làm toán cơ bản. Kết quả môn Toán thấp hơn Tiếng Việt khoảng 20-30% nhưng hai môn đều ở mức 59-85%, tức là đã đạt. Thế nhưng, thành tích này không được duy trì ở hai bậc học tiếp theo.
Cụ thể ở bậc THCS, chỉ 44% học sinh đạt chuẩn Khoa học, 45% chuẩn Toán, thấp hơn mức trung bình 5-6%. Các môn khác như Ngữ văn, Tiếng Anh cũng chỉ ở mức 52-53%. Còn ở bậc THPT, 40% học sinh đạt chuẩn môn Sinh. Môn Toán THPT chỉ đạt 52%, được đánh giá tương đối thấp.
![Biểu đồ về mức độ đạt chuẩn quốc gia của học sinh Việt Nam năm học 2013-2014 và 2014-2015 ở ba cấp Tiểu học, THCS, THPT (từ trái sang phải). Toán THCS (màu xanh dương), Sinh học THCS (màu xanh lá) và Tiếng Anh THPT (màu xám) là những môn chưa đạt chuẩn. Ảnh: VNIES](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/15/Capture-PNG-3793-1626334527.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yoNeuEpMamK0ks88CUcruw)
Biểu đồ về mức độ đạt chuẩn quốc gia của học sinh Việt Nam năm học 2013-2014 và 2014-2015 ở ba cấp Tiểu học, THCS, THPT (từ trái sang phải). Toán THCS (màu xanh dương), Sinh học THCS (màu xanh lá) và Tiếng Anh THPT (màu xám) là những môn chưa đạt chuẩn. Ảnh: VNIES
Giáo sư Paul Glewwe, chuyên gia cao cấp, Đại học Minnesota, Mỹ, bày tỏ ngạc nhiên khi thấy học sinh Việt Nam làm tốt đánh giá quốc tế PISA nhưng vẫn không đạt chuẩn theo quy định trong nước. Ông đặt câu hỏi liệu mức chuẩn quốc gia có tương đồng với các nước hay cao hơn? "Có khi nào Việt Nam nên giảm chuẩn quốc gia hoặc sử dụng, liên kết với các mức đánh giá được sử dụng trong khu vực hay không?", giáo sư Paul nói.
Lý giải điều này, PGS Phương cho biết trong đánh giá quốc gia, đề thi dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Việc này phần nào đó tạo cho học sinh thói quen học thuộc, học vẹt. Trong khi đó, PISA là bài đánh giá năng lực, tức là để học sinh tư duy và giải quyết vấn đề. "Khi nhận kết quả của PISA 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ngạc nhiên, sau đó giao các bộ phận nhanh chóng xây dựng đề án chương trình giáo dục phổ thông mới từ sau năm 2015, định hướng đánh giá năng lực nhiều hơn", bà Phương nói.
Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh 15 tuổi đi học năm 2015 chỉ chiếm 49% dân số Việt Nam trong độ tuổi đó, trong khi con số này ở các nước khác là 89%. Chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giải thích điều này cho thấy những học sinh Việt Nam đi học và tham gia PISA cũng đã tương đối được chọn lọc so với toàn quốc và các quốc gia khác.
Ngoài ra, PGS Phương nhận định không nên quá chủ quan khi chỉ nhìn vào kết quả PISA. Bài thi này mới phản ánh được năng lực học sinh ở ba khía cạnh Đọc hiểu, Toán và Khoa học, thiên về hàn lâm. Học sinh Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng mềm, ngay cả bài thi quốc gia cũng chưa đánh giá được về đạo đức và kỹ năng ở một số môn khác. "Đây là thiếu hụt của toàn hệ thống", bà nói.
![PGS Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: VNIES](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/15/31-2416-1626334527.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xWoyBFK4jzQyOoBkPYYaYA)
PGS Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: VNIES
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đang xây dựng chuẩn đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh. Giáo viên sẽ dùng bộ chuẩn này để giảng dạy phát triển năng lực, đồng thời có những tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất học sinh.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Phương cho rằng nhiều thông tư vẫn có những tiêu chí, yêu cầu về đánh giá kết quả học tập đi kèm phẩm chất, năng lực. Bà bày tỏ kỳ vọng những tiêu chí này không chỉ sử dụng trong quy mô lớp, ở những bài kiểm tra thường xuyên mà nên vận dụng rộng rãi vào các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT, nhằm phát huy tối đa khả năng của học sinh.
Thanh Hằng