Sáng 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng) các hoạt động thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sáng 2/3 (ngày Rằm tháng Giêng), ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 khai mạc tại địa điểm này.
Năm nay, lần đầu Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hai sân thơ: Truyền thống và Trẻ. Tại sân truyền thống, hoạt động trình diễn có sự tham gia của các nhà thơ theo đuổi xu hướng đổi mới hiện nay như: Mai Văn Phấn, Vũ Quần Phương, Trần Quang Quý, Nguyễn Hữu Quý...
Tại khu vực Hồ Văn, ban tổ chức trưng bày, triển lãm thơ của hơn 60 câu lạc bộ trên địa bàn thành phố. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ban tổ chức chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ. Những câu thơ được chọn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, đại diện cho các thế hệ thi nhân Việt Nam. Ngoài ra, nhóm tác giả đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản sẽ gặp gỡ, giao lưu với khán giả Việt Nam ở hai sân thơ.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, ngày Thơ không chỉ dừng lại ở giải trí mà còn chú trọng đến học thuật, chuyên môn. Vì vậy, trước ngày khai mạc, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề Thơ và những vấn đề của thơ đương đại (ngày 27/2) và Đổi mới tư duy tiểu thuyết (ngày 28/2).
Ở TP HCM, Ngày thơ lần thứ 16 quy tụ khoảng 20 câu lạc bộ văn thơ đến từ các quận huyện, đại học, trung học và câu lạc bộ Văn học tham gia. Chương trình diễn ra ở tòa nhà Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật vào ngày 1 và 2/3, chủ đề Xuân - Cội nguồn & Sáng tạo.
Ngày 1/3, chương trình thơ trẻ diễn ra với buổi giao lưu, tọa đàm của các tác giả như Minh Đan, Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến, Phan Thanh Bình, Trần Lê Khánh, Văn Nguyên Lương, Dạ Thy, Lương Cẩm Quyên, Nguyễn Trần Khải Duy, Chung Bảo Ngân... và nhà phê bình Trần Hoài Anh. Bên cạnh đó, quỹ Thơ Trẻ - hỗ trợ các cây bút trẻ có hoàn cảnh khó khăn - được phát động. Các sự kiện chính của hội thơ ở TP HCM diễn ra vào ngày 2/3.
Tam Kỳ - Trọng Trường