"Lần này mình cũng tính đúng nhưng vẫn phải làm sai. Không cho con ra Hà Nội mà lỡ kỳ thi học kỳ thì khổ", ông bố 38 tuổi nói sau khi nhận thông báo học sinh Hà Nội dừng đến trường từ 4/5.
Hùng giải thích, trước kỳ nghỉ lễ, thấy có ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở một số tỉnh, anh đã tính đến chuyện để con ở lại quê vì có thể nhà trường cho nghỉ học phòng dịch. Tuy nhiên, hai đứa con sẽ phải thi cuối kỳ vào ngày 4/5 nên vẫn phải cho ra Hà Nội. Ngày 3/5, cả nhà đón xe từ lúc 3h sáng để tránh cảnh tắc đường ở cửa ngõ thủ đô. Không ngờ đến tối họ lại phải xếp đồ về.
"Trước khi lên, tôi đã hỏi dò bạn bè làm cùng ngành, nhưng chẳng ai dám chắc được nghỉ hay không", ông bố là giảng viên đại học nói.
Hơn một năm nay, vợ chồng người đàn ông quê Thanh Hóa đã quen với những xáo trộn ở "phút 89" vì dịch bệnh. Dịp Tết Nguyên đán, anh thuê hẳn một chuyến xe 16 chỗ về quê dù chỉ có năm người và mấy thùng sách vở, máy tính, quần áo... cho các con, đề phòng ra Tết lũ trẻ lại có lịch nghỉ đột xuất như Tết năm trước đó. Lần đó, anh Hùng đã đúng.
Vợ anh Hùng là giáo viên trường tư, nên vì dịch, cả nhà cùng được nghỉ. Giữa lúc thu nhập bấp bênh, họ quyết định ngay sáng hôm sau sẽ làm chuyến khứ hồi. "Thà chịu mệt nửa ngày rồi về hái rau trong vườn, mua cá chợ quê ăn qua ngày còn hơn phải vay tiền mua cơm gạo thủ đô", chị Hương, vợ anh Hùng nói.
Không lâm vào cảnh "vừa ra đã quay đầu" như gia đình anh Hùng nhưng chị Lan Anh, ở Hà Đông cũng khó xử không kém. Cách đây 20 ngày, chị đón con gái 18 tháng tuổi ra Hà Nội sau gần nửa năm gửi bé ở nhà ngoại.
Hàng ngày, sau giờ làm việc, người mẹ bận bịu với hai đứa trẻ nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng giúp con gái nhỏ làm quen với nhà trẻ, với bạn mới. "Được gần con, được ôm chúng nó, lòng tôi lúc nào cũng vui và ấm áp", chị Lan Anh nói. Khi đứa trẻ đã không còn khóc khi vào lớp, cũng không còn thấp thỏm ôm chặt vì sợ mẹ đi mất, thì dịch tái xuất. Nhận thông báo nghỉ học của con, chị Lan Anh bần thần. Chẳng còn cách nào khác, người phụ nữ gọi điện về quê cầu cứu mẹ đẻ.
Mẹ nhận lời, Lan Anh lại tất bật lo thu dọn đồ đạc cho con để ngày mai xin nghỉ làm, đưa bé về quê sớm. "Nó mới yên tâm là tối nào cũng có mẹ ở bên, ngày mai lại phải xa mẹ", chị rớm nước mắt.
Ở công ty Lan Anh, đồng nghiệp cũng nhốn nháo vì cảnh con nghỉ học nhưng bố mẹ vẫn đi làm. Một số gia đình trong số họ chọn cách chia ca nghỉ làm sáng, chiều để trông con, trước khi được người thân hỗ trợ. Vài người có con cùng tuổi rủ nhau đưa bọn trẻ đến cơ quan để có bạn chơi cùng. Cậu con trai lớp Một của chị Lan Anh cũng sẽ đến cơ quan mẹ để gia nhập "hội thiếu nhi".
Những lần trước nghe tin Hà Nội cho học sinh nghỉ học, chị Ngọc Huyền ở Mỹ Đình, Hà Nội bốc máy gọi ngay ông bà ở quê lên trông hoặc cho con về. Nhưng lần này về quê cũng không được, người lên cũng chẳng xong bởi ông bà ở vùng dịch Hà Nam.
Nhà đứa 8 tuổi, đứa 4 tuổi, chồng bận việc, Huyền buộc phải lên phương án làm thế nào con được chăm mà mẹ vẫn được đi làm. Năm ngoái, chị đã phải chăm con ban ngày, đêm làm việc, đến 2-3h sáng. Gia đình vẫn cân nhắc có nên gửi con về quê hay không vì Hà Nam liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh. "Chỉ sợ đưa con về quê xong, có vấn đề gì, bị cách ly mỗi người một nơi thì tội lắm", người mẹ thở dài.
Dù vậy, chị vẫn tính sáng mai sẽ gọi thợ đến lắp thêm 3 chiếc camera quanh nhà, phòng trường hợp nếu con phải ở nhà dài ngày, bố mẹ đi làm vẫn dõi theo được. "Dịch chưa biết khi nào sẽ kết thúc, giờ thay vì tìm giải pháp tạm thời, tôi tính kế lâu dài. Con tự lập còn bố mẹ cũng an tâm hơn", người mẹ 39 tuổi nói.
Vừa bấm nút đăng tin trong nhóm kết nối giáo viên nhận trông trẻ tại nhà, chị Bích Thủy ở Cầu Giấy, giật mình nhận ra đã có hàng chục "lời rao" xuất hiện trước đó với vài trăm người cũng đang có chung nhu cầu.
Sau một hồi tham khảo giá cả và chương trình học tại nhà, Thủy "chốt" được giá trông trẻ từ 7h30 đến 17h là 200.000 đồng. Chị chỉ biết người sẽ chăm con mình ngày mai là một giáo viên mầm non, 25 tuổi, ở Hoàn Kiếm. "Khi bạn ấy đến, tôi sẽ yêu cầu cho xem chứng minh thư. Nhà tôi cũng có camera nên cũng yên tâm", chị nói, như tự trấn an mình.
Minh Anh, một giáo viên trường tư cũng đăng tin tuyển học sinh để đến tận nhà dạy học. Cô giáo 23 tuổi cho biết, dịch bệnh khiến nhu cầu tìm người trông trẻ tại nhà tăng đột biến. Chỉ hai giờ sau khi đăng tin, Minh Anh nhận được gần 20 cuộc gọi. Quen biết nhiều đồng nghiệp đang chịu cảnh thất nghiệp, cô đứng ra làm trưởng nhóm, "nhận đơn" chia cho các bạn cùng làm.
"Chúng tôi thiết kế bài giảng phù hợp với độ tuổi của trẻ, làm ngày nào nhận tiền ngày đó. Có phụ huynh chê mức giá 200 nghìn hơi cao, nhưng biết không thể mặc cả, họ chấp nhận", Minh Anh nói.
Phạm Nga - Hải Hiền