Sau nửa tháng về quê ăn Tết, ngày 2/2 (mùng 9 tháng Giêng), cô giáo cắm bản Phạm Phương Hồng và con trai bốn tuổi bắt xe trở lại được phòng trọ ở xã vùng cao Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang chuẩn bị cho học kỳ 2.
Một ngày sau, chị Hồng nhận tin báo học sinh được nghỉ học một tuần vì dịch viêm phổi, nhưng giáo viên vẫn phải đến trường để khử trùng trường lớp, vệ sinh dụng cụ học tập. Là mẹ đơn thân, chị đành gửi con sang hàng xóm để đi làm.
Chỉ được phát dụng cụ và thuốc, các giáo viên của trường lần đầu tiên mặc áo mưa, đội mũ đi xịt thuốc khử trùng. Thương phụ huynh và học sinh vùng cao, các cô góp tiền mua khẩu trang, mang đến tận nhà học sinh. Xong công việc ở trường, về đón con, thằng bé lao ra ôm mẹ, khóc lóc đòi về quê. "Đi học có cô, có bạn bè thì nó khuây khỏa. Đằng này suốt ngày bị nhốt trong nhà, bé buồn, nhớ nhà", chị kể.
Tự trấn an một tuần nữa sẽ đi học trở lại, chị dỗ con cố nán thêm. Tuy nhiên, tối ngày 7/2, được biết trường sẽ lại nghỉ học, hai mẹ con chị khăn gói về quê. "Mới đầu năm ra đã mất 2 triệu tiền xe, cả đi, cả về. Mẹ con lại say xe, mệt lắm", người phụ nữ 40 tuổi than thở. Hết một tuần ở quê, mẹ con chị Hiền đang gấp quần áo chuẩn bị lên Hà Giang lần nữa thì ngày 14/2 lại nhận được tin nghỉ học.
Ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 3/2 với lịch nghỉ ban đầu là một tuần. Kế hoạch nghỉ liên tiếp được gia hạn. Đến ngày 15/2, 8 địa phương cho học sinh nghỉ thêm một tuần đến 23/2, 54 tỉnh thành cho nghỉ hết tháng 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị lãnh đạo các đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp sư phạm xem xét cho tất cả người học nghỉ hết tháng 2.
Dù vật lộn với cảnh tàu xe, xa nhà, nhưng Hồng không phải lo nhiều về chuyện giảm thu nhập do đã biên chế. Lan Hương, giáo viên một trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, lương giảm là điều chắc chắn. Để bù khoản thu nhập bị hao hụt này, ngày mai, cô sẽ gửi đứa con gần một tuổi cho bà ngoại, đón xe từ Nam Định lên Hà Nội kiếm việc làm thêm. Tuần vài buổi, cô đến nhà riêng dạy trẻ, ngày nhàn rỗi sẽ nhập quần áo lên mạng bán.
Chưa hết lo về thu nhập, nữ giáo viên 24 tuổi còn phải lo chuyện rèn học sinh sau kỳ nghỉ dài. "Năm ngoái, mới nghỉ Tết một tuần ra các bạn ấy đã hay ăn vạ. Nhiều bạn thì cắn tay, đập đầu vào tường, một số bạn nói kém hẳn đi. Bây giờ nghỉ hẳn một tháng, các cô sẽ rất vất vả và áp lực", cô Hương nói.
Không chỉ giáo viên, những người đầu tư vào trường học cũng đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ của ba trường mầm non tư thục ở Hà Nội nửa đùa, nửa thật nói với các nhân viên: "Ngày mai ra sông Nhuệ mà thấy dép anh thì khỏi cần tìm".
Dù trường không hoạt động, ông Thành vẫn phải trả tiền thuê mỗi điểm trường là 70 triệu đồng/tháng. Nghỉ học, nhưng lương của hơn 60 nhân viên, ông vẫn phải trả 50% - 70% cho mỗi người, bảo hiểm xã hội vẫn phải đóng.
Đã nhiều đêm ông Thành cũng mất ngủ. Ông kè kè điện thoại bên người để đọc tin tức về dịch nCoV. "Đợi một tuần, hai tuần, giờ thì thêm nửa tháng nữa. Những chi phí cho trường học hay vận tải đều là những khoản cứng không thể không chi", ông Thành nói.
"Kỳ nghỉ Tết" dài cả tháng khiến ngành dịch vụ ăn theo học sinh, sinh viên cũng lâm cảnh khóc dở, mếu dở.
Ngõ Tự Do, phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng (Hà Nội) là "thiên đường ăn uống" của sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, Xây Dựng, Bách Khoa và là "mỏ vàng" của các hộ kinh doanh quán ăn. Trước đây, quán lẩu kèm đồ ăn vặt của ông Tiến tấp nập khách ra vào, doanh thu mỗi ngày hơn 5 triệu đồng. Từ sau Tết, khi lịch nghỉ của các trường cứ liên tục được kéo dài, quán của ông không có khách, trong khi khoản tiền thuê nhà hơn 10 triệu đồng mỗi tháng vẫn phải đóng nên ông bán hàng để "cầm cự". Một đầu bếp và một nhân viên chạy bàn đã bị cho nghỉ việc. Giờ ông Tiến kiêm luôn đầu bếp.
"Tối qua tôi bị bỏng nước lẩu, tay còn đang đau đây. Buồn thì cũng có buồn, nhưng phải tự động viên mình, dịch bệnh xảy ra, cả xã hội ảnh hưởng, chứ chẳng phải mình mình", ông Tiến chìa cánh tay, nói.
Cuối năm 2019, chị Nguyễn Thu Trang, 40 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội xin được nhận vào làm nhân viên kinh doanh ở một hiệu ảnh trên phố Trường Chinh. Hiệu ảnh chủ yếu chụp kỷ yếu cho học sinh cuối cấp, chụp ảnh kỷ niệm đầu xuân cho học sinh cấp mầm non, tiểu học và dịch vụ cưới hỏi. Chị Trang phấn khởi khi công việc mới mang lại thu nhập khá, đủ để chi phí cho sinh hoạt đơn giản của mình và người chồng bại liệt đã 10 năm.
Đồng nghiệp rỉ tai, ra Tết là "thời điểm vàng" để làm ăn, vì các trường thường chụp ảnh xuân cho trẻ. Tuy nhiên, trường đóng cửa, nhu cầu chụp ảnh du xuân của khách cũng giảm. Hiệu ảnh tạm thời đóng cửa.
"May cho tôi, công ty cũ làm hộp giấy đợt này sản xuất hộp đựng khẩu trang, làm không hết việc nên lại gọi tôi quay lại", chị nói. Dù không hứng thú, nhưng nó là "phao cứu sinh" mà chị nghĩ mình phải nhanh tay nắm lấy, giữa lúc khó khăn này.
Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Phạm Nga