Trạng thái thịnh nộ, không giao tiếp của cậu bé ở tuổi chập chững biết đi đã khiến cha mẹ cậu thực sự khủng hoảng.
Rupert Isaacson cho rằng cậu con trai tự kỷ của anh đã giảm nhiều triệu chứng nặng sau chuyến cưỡi ngựa cùng gia đình ở Mông Cổ 2 năm trước. Ảnh: ABC. |
"Rowan có thể nổi khùng đến 12 lần trong ngày", Isaacson, 42 tuổi, kể lại. "Ai cũng biết một cơn khùng của trẻ ở tuổi này là gì, nhưng thêm vào đó là nỗi khổ vô cùng khi đứa bé không thể cảm nhận được sự an ủi của ai và không thể giao tiếp với cha mẹ của nó".
Tất cả những gì tôi có thể làm là kìm các cơn khùng đó lại và ngăn con không làm đau chính mình. "Khi bạn nhìn thấy đứa trẻ rơi vào tình huống như vậy, tim bạn như nát ra nhiều mảnh", anh nói. Cùng với vợ, anh đã kiên trì làm tâm trạng bé dịu xuống.
Isaacson nhanh chóng nhận thấy Rowan trở nên dịu tâm tính khi được phép đi dạo và khám phá khu rừng bên ngoài ngôi nhà của họ ở Texas.
Một lần, không thấy con trở về nhà, anh nháo nhào đi tìm và kinh hoàng phát hiện thấy con trai đang nằm dưới một con ngựa, xung quanh một bầy ngựa. Cứ ngỡ đứa con trai nhỏ sẽ bị con ngựa giẫm nát, nhưng không, con ngựa già (về sau được gọi là Betsy - đã bước qua và đẩy những con ngựa khác.
Besty cúi đầu xuống và phát ra thứ âm thanh mà những người yêu ngựa biết rằng đó là một dấu hiệu chấp nhận. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến một con ngựa tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ một đứa trẻ 2 tuổi rưỡi", anh nói.
Rowan và Betsy hiển nhiên đã có sự giao tiếp nào đó.
Và đó cũng là mối liên kết mà về sau Isaacson phát hiện rằng là chìa khóa cho sự hạnh phúc của con trai anh.
Isaacson, người nhiều năm huấn luyện ngựa, từ đó bắt đầu đặt bé Rowan trên lưng ngựa cùng mình. Qua nhiều lần, anh phát hiện nhịp bước chân của con vật khiến cậu bé dịu lại, giảm bớt những cơn nổi khùng bột phát. Cùng với đó, cậu bé tiếp tục được theo các khóa trị liệu khác, như phân tích hành vi.
"Bất cứ khi nào trên lưng ngựa, thằng bé đều không lên cơn khùng nữa. Và chúng tôi muốn kéo dài thời gian đó càng lâu càng tốt".
Mùa hè năm 2007, khi cậu bé lên 5, Isaacson và gia đình thực hiện một chuyến đi ngựa xa ở Mông Cổ, nơi Rowan đã có những ngày hạnh phúc nhất.
"Trước khi tới Mông Cổ, Rowan vẫn không thể kiềm chế cảm xúc của mình và bột phát những cơn cáu giận thần kinh khiến bé không thể có bạn. Nhưng khi trở về, sau 4 tuần, bé đã biết tự đi toilet và không bao giờ phát các cơn khùng nữa. Thằng bé cũng đã có người bạn đầu tiên trong hành trình đó. Đó là điều vô cùng tuyệt vời", anh kể.
Isaacson không khẳng định rằng mối quan hệ với ngựa đã chữa bệnh tự kỷ cho Rowan, nhưng anh tin rằng nó đã giúp giải phóng một vài triệu chứng tồi tệ nhất của cậu bé.
Dù vẫn còn tự kỷ, nhưng dạng tự kỷ của cậu bé đã lắng dịu bớt. Giờ thì cậu bé giao tiếp và đã đến trường. Hàng ngày, ngoài giờ đến trường cùng các trẻ cần hỗ trợ đặc biệt như cậu, Rowan đều cưỡi ngựa mỗi sáng và vẫn tham gia các khóa trị liệu truyền thống.
Nhiều chuyên gia cho biết đây là kinh nghiệm hay cho các bậc cha mẹ có con tự kỷ. Tuy không phải là cách chữa chính thức, nhưng có thể là một hỗ trợ tốt.
Tuy nhiên, tiến sĩ Paul Offit, giáo sư nhi khoa tại Đại học Pennsylvania và là tác giả cuốn "Autism's False Prophets: Bad Science, Risky Medicine, and the Search for a Cure," cho biết ông có vài lo lắng rằng các bậc cha mẹ khác có thể quá kỳ vọng sau khi nghe kinh nghiệm của Isaacson.
"Với những rối loạn như tự kỷ, vẫn chưa có nguyên nhân và cách chữa rõ ràng, và tôi nghĩ các bậc cha mẹ tự kỷ vẫn có ham muốn mãnh liệt để làm điều gì đó. Theo tôi, cuốn sách này vẫn cần thiết".
T. An (theo ABC)