Các công ty công nghệ Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu thế phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 là chủ đề chính của phiên thảo luận tại Diễn đàn Công nghệ VnExpress sáng 7/1 tại TP HCM.
Ông Bùi Thế Duy chia doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ra ba nhóm: các tập đoàn công nghệ dẫn đầu, các công ty startup khởi nghiệp sáng tạo và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
"Các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rất năng động trong thời gian qua. Tuy nhiên, hơn 96% doanh nghiệp tại Việt Nam là SME, trong đó số lượng doanh nghiệp sản xuất khá ít. Rất nhiều có trình độ công nghệ còn ở mức 2.0 và 3.0, tức chưa ứng dụng công nghệ thông tin, hoặc đã có kết nối công nghệ thông tin nhưng chưa tự động hóa, chưa sử dụng dữ liệu để thúc đẩy vận hành", Thứ trưởng đánh giá.
Ông Trần Duy Phong, nhà sáng lập Tép Bạc, cũng nêu ví dụ về những thách thức khi đưa công nghệ đến với người nông dân. "Phổ biến công nghệ tới người nông dân khó khăn hơn rất nhiều lần so với bình diện phổ thông. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ là tất yếu để giúp họ quản lý chăn nuôi chặt chẽ, hiệu quả hơn, dựa trên công nghệ và dữ liệu", ông Phong nói và cho biết đã phải mất bốn năm với rất nhiều phiên bản để tiếp cận bà con nông dân và thuyết phục họ thấy rằng ứng dụng công nghệ là thực sự hữu hiệu.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, cũng vì vậy khoảng trống phát triển còn rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các tập đoàn và startup. Đây cũng là xu hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ ở bất kỳ quốc gia nào, là có những mô hình thành công của tập đoàn lớn, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp khác, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. Việt Nam cũng tự hào có những nhóm doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, trong một khoảng thời gian ngắn đã tạo vị thế nhất định, xây dựng hệ sinh thái công nghệ vững mạnh trong tương lai.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Tuấn, CEO FPT Software, nhận định, nếu nói về hệ sinh thái chuyển đổi số, Việt Nam đang có lợi thế lớn khi nguồn cung đang thấp hơn cầu rất nhiều. "Việt Nam có thể tự tin rằng khoảng cách so với các nước phát triển công nghệ trên thế giới không lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam phải biết tìm những khách hàng đầu tiên để hoàn thiện sản phẩm", ông Tuấn cho hay.
Về việc hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ, ông Bùi Thế Duy cho biết việc phát triển doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam là một quá trình bền bỉ, kiên trì, doanh nghiệp phải biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, yếu của mình là gì. Trong đó, lợi thế cho doanh nghiệp công nghệ là thị trường lớn để phát triển các sản phẩm ra toàn cầu. Điểm yếu của doanh nghiệp chính là ứng dụng công nghệ không nhiều.
"Các doanh nghiệp SME cũng cần vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Các bộ ngành cần những cơ chế để doanh nghiệp thấy lợi ích lâu dài là đầu tư cho công nghệ sẽ thúc đẩy bền vững", ông Duy nói.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều cuộc thi, thúc đẩy triển khai 5G, các chương trình nghiên cứu liên quan đến cách mạng 4.0, thúc đẩy các doanh nghiệp sáng tạo, và tổ chức diễn đàn đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ. Cùng với đó, các bộ ngành sẽ cùng ngồi với các doanh nghiệp startup, lấy lợi thế của thị trường Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam, môi trường ổn định về chính trị xã hội để hình thành và thúc đẩy chuyển đổi số, tăng năng suất chất lượng Việt Nam về chuyển đổi số.
Diễn đàn "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới", được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/1 tại TP HCM, có ba phiên thảo luận về ba nội dung: Sản phẩm Công nghệ Việt, Việt Nam trong kỷ nguyên 5G và Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới. Đại diện các bộ, ngành, các công ty công nghệ Việt Nam, đại diện các nhà mạng lớn trong nước, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo hàng đầu... sẽ chia sẻ góc nhìn cùng những thách thức với nền công nghệ trong nước trước một kỷ nguyên mới.
Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện Tech Awards của VnExpress.
Đăng ký tham dự tại đây.
Châu An