Không riêng gì các doanh nghiệp lớn mà ngay cả các SMEs, những công ty trước đây ít có xu hướng hoạt động trực tuyến, cũng buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình khi đại dịch ập đến. Bà Selena Ling, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC cho biết, các doanh nghiệp này trước Covid-19 có xu hướng do dự khi áp dụng một số chiến lược kinh doanh trên thương mại điện tử. Hầu hết đều cho rằng việc chuyển sang online là mất thời gian và đòi hỏi nhiều nguồn lực, khoản đầu tư.
Tuy nhiên, sự thật chứng minh rằng việc duy trì trạng thái bị động, trung thành với mô hình truyền thống trong khi hàng loạt doanh nghiệp đua nhau chuyển đổi số là một lựa chọn kém khôn ngoan và không thích ứng với thời cuộc. "Điều khiến các doanh nghiệp này thay đổi suy nghĩ, không gì khác chính là những gì đã diễn ra trong suốt 15 tháng qua. Chỉ có thể lựa chọn giữa thay đổi hoặc đóng băng mọi thứ", bà Selena nói.
Tại Singapore, để hạn chế sự lây lan dịch bệnh vào lúc cao điểm của đại dịch năm ngoái, Chính phủ nước này đã áp dụng chính sách "phong tỏa một nửa" (circuit breaker), yêu cầu hầu hết mọi người phải làm việc tại nhà thay vì đến công ty.
Theo đó, nhiều nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất buộc phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động trong thời gian dài do sự vắng vẻ, gây ra nhiều tổn thất nặng nề. Để có thể sống sót, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều buộc phải thay đổi trọng tâm từ kênh truyền thống sang kênh online bằng cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
James Chang, Giám đốc điều hành của Lazada Singapore đưa ra nhận định tương tự bà Selena Ling. Ông cho rằng đại dịch thực sự đã thúc đẩy ngành thương mại điện tử rất nhiều và phần nào giúp người tiêu dùng làm quen với thói quen tiêu dùng mới.
Là đại diện tiêu biểu cho ngành thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á, Lazada có nhiều động thái hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai đưa sản phẩm lên kênh online. Sàn còn giúp quảng bá sự hiện diện của các gian hàng mới này ở thị trường thành thị.
"Để có thể gia nhập thị trường bán lẻ, bạn cần phải có một số vốn khá cao và hội tụ nhiều điều kiện khác. Tuy nhiên, nếu có thể dẹp bỏ rào cản về mặt chi phí cho các nhà bán lẻ non trẻ, chúng tôi hy vọng có thể thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh để họ nhanh chóng đưa sản phẩm lên kênh online, giúp thị trường kinh doanh trực tuyến thêm sôi động", vị CEO Lazada Singapore chia sẻ.
Song song đó, Chính phủ Singapore cũng ban hành các chính sách hỗ trợ, hướng tới việc thúc đẩy và giúp đỡ các công ty nhỏ nhanh chóng chuyển đổi số, thích nghi với thời cuộc. Đảo quốc sư tử đã sớm tạo ra một môi trường tài chính hấp dẫn cho các doanh nghiệp trẻ mới thành lập có điều kiện phát triển giữa thời dịch.
"Singapore đã thực sự hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế vĩ mô do ảnh hưởng từ Covid-19. Chính quyền địa phương đã giúp đỡ rất nhiều trong việc trợ cấp tiền lương, giúp đào tạo lại và điều phối nhân viên", Henry Chan, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của ShopBack cho biết.
Thái Nghiên (Theo CNBC)