Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Techcombank lập báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP. Liên danh này sẽ phải nộp báo cáo dự án trước ngày 31/8.
Cả Vingroup và Techcombank được đánh giá có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và quản trị đầu tư, mở ra cơ hội lớn để sớm triển khai tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây, nối Tây Nguyên với cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ.
Sau khi lập báo cáo tiền khả thi, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sẽ được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện theo quy định Luật Đấu thầu, Luật PPP. Liên danh trên sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nếu có nhu cầu.
Theo quy hoạch, cao tốc Đăk Nông - Bình Phước dài 212 km, trong đó đoạn qua tỉnh Đăk Nông khoảng 110 km, qua Bình Phước 102 km, quy mô 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/h.
Do điều kiện địa hình qua Đăk Nông bị chia cắt, lưu lượng phương tiện chưa cao nên các bên thống nhất nghiên cứu đoạn qua Đăk Nông quy mô 4 làn xe, trong đó nền đường rộng 24 m, mặt đường rộng 15 m, dải phân cách 2,2 m, lề 7,5 m.
Ở phía Bắc, cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) đã được liên danh do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đề xuất đầu tư.
Liên danh còn có Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest. Các bên cam kết huy động vốn 2.685 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài hơn 115 km, đi qua khu vực địa hình cao, nhiều thung lũng với nền địa chất phức tạp, tổng mức đầu tư giai đoạn một dự kiến là 13.180 tỷ đồng. Là tỉnh vùng cao giáp Trung Quốc, hiện nay các tuyến đường đến Cao Bằng đều có lưu lượng thấp, nên nhiều năm qua dự án cao tốc không thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, tổng mức đầu tư giai đoạn một dự kiến 7.609 tỷ đồng. Dự án này bị đình trệ từ năm 2018 do nhà đầu tư không thu xếp được vốn tín dụng khiến tuyến cao tốc chưa được nối thông từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị.
Trong tháng 5, Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 6 (Cienco6) - Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons - Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt và Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings cũng đã đệ đơn xin đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP.
Liên danh này cam kết sẽ huy động nhiều nguồn vốn, trong đó vốn góp của các thành viên trong liên danh 40%, còn lại từ ngân hàng và đối tác.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đánh giá có khả năng thu hồi vốn cao cho nhà đầu tư, là tuyến giao thông quan trọng kết nối trực tiếp với các cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cao tốc khu vực phía Nam, cần hoàn thành sớm.
Dự án này được Chính phủ phê duyệt báo cáo khả thi với tổng mức đầu tư giai đoạn một 17.830 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đề xuất mới nhất của Chính phủ với Quốc hội, dự án này được đầu tư bằng vốn ngân sách, hoàn thành năm 2025.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nếu đấu thầu chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP thì phải đến tháng 3/2024 mới có thể khởi công dự án và đến năm 2026 mới có thể cơ bản hoàn thành. Đầu tư công dự án Biên Hòa - Vũng Tàu để đảm bảo dự án đúng tiến độ, nhằm khai thác đồng bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (đi trùng 12,6 km với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), giải tỏa hành khách, hàng hóa cho sân bay Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông, nhận định nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư hay xin nghiên cứu dự án cao tốc là tín hiệu tốt sau thời gian dài các dự án không thu hút được nhà đầu tư. Giai đoạn 2017-2020, chỉ 3 trong số 8 dự án cao tốc Bắc Nam do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện có nhà đầu tư tham gia theo hình thức PPP.
Ông Chủng cho rằng, hiện nay Luật PPP đã nêu cơ bản quyền và nghĩa vụ của các bên, song còn điểm nghẽn như góp vốn của nhà nước không quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Quy định này sẽ không khích lệ các nhà đầu tư cho dự án hạ tầng tại các vùng xa bởi lưu lượng phương tiện thấp, khả năng thu hồi vốn không cao. Các dự án này cần tăng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư còn lo ngại cơ chế phân chia rủi ro khi doanh thu thấp, nhà nước, địa phương cần cam kết giải ngân vốn đúng thời hạn, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.
Ông Chủng nhấn mạnh, con đường mới mang lại rất nhiều lợi ích cho địa phương, hình thành khu đô thị, khu công nghiệp, chuỗi logistic, do đó nhiều nhà đầu tư đồng hành góp vốn đầu tư hạ tầng cùng với địa phương, tháo gỡ việc phụ thuộc vốn tín dụng ngân hàng.