Ngành dệt may hiện mang lại cho Việt Nam lượng ngoại tệ là 3 tỷ USD - đứng thứ 2 sau dầu thô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành này đang gặp nhiều khó khăn.
Ưu thế đặc biệt của ngành dệt may Việt Nam là nhân công thấp, tuy nhiên theo Bloomberg, ưu thế này sẽ không kéo dài mà sớm trở thành quá khứ. Trên thực tế dù thu nhập của công nhân dệt may là khoảng 100 USD (gấp đôi mức lương tối thiểu), nhưng nhiều công nhân may vẫn bỏ nghề, chuyển sang các lĩnh vực khác như ngân hàng, khách sạn vì có lương cao hơn. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt triền miên công nhân may tại các khu công nghiệp ở TP HCM là một dẫn chứng.
Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ, thiếu ngành công nghiệp phụ trợ nên dệt may Việt Nam đang kém khả năng cạnh tranh hơn các sản phẩm của Trung Quốc.
Theo ước tính của ông Horst F. Geicke, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Vinacapital tại TP HCM, chi phí lao động tại vùng nông thôn Trung Quốc (các tỉnh miền Tây) thấp hơn 10-15% so với TP HCM. Mà Trung Quốc lại đang di chuyển các ngành sản xuất (trong đó có ngành dệt may) về các tỉnh miền Tây. Rõ ràng, đây là một bất lợi cho dệt may VN.
Để đối phó với tình trạng này, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư về nông thôn để khai thác nguồn nhân công giá rẻ, thế nhưng công việc triển khai vẫn diễn ra khá ì ạch.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)