Chính sách thu hút nhà làm phim nước ngoài là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận dự án Luật Điện ảnh sửa đổi ở Quốc hội, chiều 28/10.
Đại biểu Trần Thị Vân - Ủy ban Xã hội, tỉnh Bắc Ninh - dẫn chứng phim Good Morning Việt Nam (Xin chào Việt Nam) nổi tiếng của Mỹ, nhưng toàn bộ cảnh quay thực hiện tại Thái Lan. Nhân vật nữ tên Trinh thướt tha trong tà áo dài trắng cũng do cô gái Thái Lan đóng. Bà Vân nói: "Tất nhiên, bộ phim này được làm từ năm 1987 khi Việt Nam mới ở ngưỡng cửa của thời kỳ đổi mới, nên việc đoàn làm phim Hollywood phải đến quay ở Thái Lan thay vì ở Việt Nam là điều dễ hiểu".
Trong bối cảnh mới, đại biểu cho rằng dự thảo chưa hướng dẫn nội dung thu hút người nước ngoài đến Việt Nam làm phim. Bà Vân đặt vấn đề: "Như vậy, dự luật vẫn chưa thể tạo ra bất cứ hành lang pháp lý mang tính đột phá nào. Một quy định mang tính chất đột phá cần thể hiện rõ mức độ ưu đãi ra sao và hấp dẫn thế nào, thủ tục ưu đãi có minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng hay không".
Để xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể, cơ quan soạn thảo cần có các số liệu về lợi ích mang lại cho đất nước. Bà Vân đề xuất cơ quan soạn thảo phải đưa ra được các số liệu như: Số việc làm được tạo ra từ hoạt động làm phim; chi phí đoàn phim nước ngoài sẽ chi tiêu; số khách du lịch đến sau khi xem các bộ phim có bối cảnh Việt Nam; nhân lực điện ảnh trong nước được nhà làm phim nước ngoài tuyển dụng, đào tạo...
Đại biểu Vân đề xuất Việt Nam nên tham khảo cách làm của Thái Lan - đất nước có cùng điều kiện khí hậu, địa lý, văn hóa và rất thành công trong việc kêu gọi các nhà làm phim nước ngoài. Năm 2018, lần đầu tiên nước này áp dụng chính sách hoàn thuế từ 15 đến 20% cho các đoàn làm phim ngoại. Ngay năm đó, họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế đến quay, mang lại doanh thu 98 triệu USD.
Cùng chung quan tâm vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình - Hội đồng Dân tộc, Trà Vinh - cho rằng Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu hút, khuyến khích nhà làm phim nước ngoài. Ông Bình nêu thực trạng: "Nhiều đoàn phim muốn đến khai thác bối cảnh tại Việt Nam nhưng rất tiếc họ đã sang Thái Lan, Philippines",
Dẫn chứng là phim Kong: Skull Island quay tại Việt Nam cho thấy sức hút và hiệu quả của quảng bá du lịch. Nhưng để thực hiện bộ phim, nhà sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thẩm định kịch bản. Vì vậy, quy định trong dự thảo yêu cầu thẩm định kịch bản trước có thể gây khó khăn cho việc thu hút. Đại biểu tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm: "Nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp thì các hoạt động về dịch vụ điện ảnh cần tháo gỡ thủ tục hành chính, khâu đột phá là kiểm duyệt kịch bản. Các nước có nền điện ảnh lớn, có nhiều ưu đãi về hợp tác làm phim, họ thấy lợi ích của việc đầu tư một USD thì thu về chín USD từ các hợp tác đó".
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình việc yêu cầu thẩm định kịch bản sẽ là rào cản khiến các nhà sản xuất quốc tế không muốn đến Việt Nam. Bà nói: "Cung cấp kịch bản có thể ảnh hưởng đến việc giữ bí mật ý tưởng bộ phim, thậm chí có thể xảy ra trường hợp xâm phạm quyền tác giả của kịch bản phim".
Để khắc phục tình trạng này, bà Nga đề xuất chỉ yêu cầu kịch bản với phim sử dụng bối cảnh thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam làm bối cảnh quay phim và những phim sử dụng diễn viên Việt. Các dịch vụ khác về kỹ thuật không cần thẩm định.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến các đại biểu để có được một bộ luật đáp ứng yêu cầu phát triển.
Quá trình chuẩn bị dự luật, Bộ đã tham khảo 20 nền điện ảnh phát triển để lựa chọn các vấn đề phù hợp. Tuy nhiên, bộ trưởng Hùng cho biết vấn đề khó, không thể đáp ứng hết một sớm một chiều.
Bộ trưởng Hùng dẫn chứng: "Cũng có ý kiến đề nghị là phải bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác, sử dụng phim hợp tác liên doanh với nước ngoài. Nhưng thời gian qua có một số việc đoàn phim không tuân thủ và vi phạm pháp luật Việt Nam. Gần nhất là có một nhà làm phim về hệ thống hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình, nhưng họ dựng lại dựng ra câu chuyện là có gia đình người nước ngoài phát hiện ra và sinh sống ở đó, không đúng với thực tế".
Có đoàn làm phim khác phản ánh sai lệch về cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, khác với lịch sử Việt Nam. "Ngoài ra, các phim hợp tác với nước ngoài thường sau đó lại không phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, nếu như không có thẩm định thì không kiểm soát được. Và những vấn đề của lịch sử sẽ không đúng với Việt Nam", ông Hùng nói. Bộ trưởng nhắc lại: "Đây là một vấn đề khó mà cơ quan soạn thảo đang cân nhắc và tính toán để đưa vào".
Trong phiên thảo luận hôm 28/10, các đại biểu tập trung vào các vấn đề nổi cộm của điện ảnh nước nhà như chính sách phát triển điện ảnh hợp lý, cân bằng việc xuất nhập khẩu phim, vấn đề cấm phim và cơ chế kiểm duyệt... Sau các thảo luận, dự thảo Luật Điện ảnh tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp sau.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm tám chương, 50 điều dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022, với kỳ vọng giúp ngành điện ảnh có bước phát triển, hội nhập mới.
Viết Tuân - Hoàng Thùy