Thảo luận về dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi tại Quốc hội chiều 28/10, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cho rằng phim ảnh cần hạn chế nhân vật là người thành đạt trong xã hội, người hùng, soái ca nhưng có hành vi không chuẩn mực. "Những người này trở thành thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên, nhưng lại hút thuốc lá hoặc uống rượu. Những hình ảnh này sẽ gây cách hiểu lệch lạc cho trẻ, gián tiếp cổ súy việc hút thuốc lá, uống rượu bia", bà Hoa nói.
Đại biểu tỉnh Nam Định nhất trí cần cấm những hành vi kích động bạo lực, tội ác thông qua các chi tiết, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, trừ những nội dung thể hiện nhằm lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, nhận diện cái tốt, triệt tiêu cái xấu. Bà Phương Hoa nói: "Không nên ngăn cấm tràn lan để góp phần xây dựng nền điện ảnh hướng tới chân, thiện, mỹ. Các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới cũng đang thể hiện theo cách này". Đại biểu đề nghị cơ quan soạn dự thảo rà soát, quy định chi tiết các hành vi bị cấm trong phim, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, dẫn đến áp dụng tùy tiện.
Phim Việt đang chịu cảnh mang hai số phận hay nói cách khác là "hai hộ chiếu", là quan điểm của đại biểu Phạm Trọng Nhân - phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương - khi góp ý về các quy định cấm. Nhiều phim Việt được giải thưởng quốc tế nhưng bị cấm chiếu ngay tại "sân nhà", do "vi phạm thuần phong mỹ tục, phản ánh hiện thực quá đen tối, bi quan".
Ông Trọng Nhân nói: "Thử hỏi có nơi nào trên thế giới này chỉ toàn điều tốt đẹp mà không có mặt trái của xã hội. Ngay cả New York, Mỹ, nơi được mệnh danh là trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới cũng không khó để bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang trước các cửa hàng sang trọng, trong khi điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ những hình ảnh này".
Tại Việt Nam, văn học giai đoạn 1930-1945 của thế kỷ trước cũng có ba dòng chủ lưu là hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng cùng tồn tại, để miêu tả toàn bộ cái hồn của xã hội và cuộc sống các tầng lớp nhân dân. "Chí Phèo, lão Hạc, chị Dậu dù được khắc họa đến tận cùng sự khắc nghiệt của hiện thực, có bi quan, có bạo lực nhưng có làm tổn hại đến các giá trị văn hóa hay không?", đại biểu Nhân lấy thêm dẫn chứng. Ông đặt câu hỏi: "Những đánh giá với các tác phẩm điện ảnh thời gian qua liệu có quá cảm tính và khắt khe?".
Hơn nữa, theo ông Nhân "nếu khắt khe với các tác phẩm điện ảnh trong nước thì phải trả lời cho được vì sao phim Điệp vụ biển Đỏ với thông điệp sai trái biển Đông là của Trung Quốc, hay phim Everest - Người tuyết bé nhỏ có lọt chi tiết bản đồ đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở các rạp chiếu của Việt Nam?".
Điều khó nhất khi xây dựng dự án Luật Điện ảnh sửa đổi là làm sao đưa hoạt động có tính nghệ thuật sáng tạo vào "đường biên của thể chế", trong khi bản chất của sáng tạo vốn không có giới hạn. Một tác phẩm có thể chứa đựng cả giai đoạn lịch sử bi hùng nhưng đôi khi lại chứa bản ngã của tác giả.
Ông Nhân nói: "Hiện nay, nhiều chế định còn khá mơ hồ của dự luật có thể trở thành vòng cương tỏa vô hình áp lên tư duy sáng tạo của người làm phim. Như thế nào được coi là làm tổn hại đến các giá trị văn hóa, truyền bá tệ nạn xã hội, phá hoại truyền thống văn hóa... như dự thảo nêu? Những quy định cấm này cần được minh định để tránh cảm tính, chủ quan khi cầm cân nảy mực trong các khâu xét duyệt".
Đại biểu cho rằng sợi dây kiểm duyệt bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm phim. Vì vậy, điện ảnh trong nước cần những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe lẫn nhau để xóa đi ranh giới giữa cơ quan quản lý và nhà làm phim, "để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc lề luật không còn đè mãi tương lai điện ảnh Việt Nam".
Cùng chung băn khoăn - đại biểu Tô Văn Tám, Ủy ban Pháp luật - nói nhiều quy định cấm trong dự thảo còn định tính, chưa lượng hóa được, dẫn đến khó xử lý khi áp dụng. Mặt khác, ông đề nghị bổ sung những quy định cấm với các tác phẩm cổ súy lối sống ích kỷ, buông thả, vô cảm, vô trách nhiệm với lịch sử và xã hội.
Còn đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) góp ý: "Nếu chỉ chú trọng thị trường trong nước mới cần kiểm duyệt kỹ như cơ chế kiểm duyệt hiện hành. Nếu muốn vươn ra thế giới, chúng ta phải chấp nhận tất cả dòng sản phẩm phục vụ thị trường giải trí toàn cầu, chỉ dùng kiểm duyệt như một hàng rào kỹ thuật chứ không nên cấm đoán hoàn toàn".
Trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu tập trung vào các vấn đề nổi cộm của điện ảnh nước nhà như các chính sách phát triển điện ảnh hợp lý, cân bằng việc xuất nhập khẩu phim, vấn đề cấm phim và cơ chế kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh... Sau các thảo luận hôm nay, dự thảo Luật Điện ảnh tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp sau.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm tám chương, 50 điều dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022, với kỳ vọng giúp ngành điện ảnh có bước phát triển, hội nhập mới.
Viết Tuân - Hoàng Thùy