Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đã hoàn thành 62 km, đang chờ nghiệm thu thông xe. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, tuyến này xuất hiện 8 điểm sạt lở, phải xử lý bằng việc đưa xe múc dọn dẹp đất đá tràn xuống lòng đường.
Nhiều điểm nước từ đỉnh núi và mạch ngầm vẫn đang chảy xuống. Có đoạn đã được kiên cố hóa mái taluy dương bằng phương pháp phun phủ, gia cố bê tông, nhưng vẫn bị đứt gãy, sạt lở đất.
Dù chưa thông xe, nhiều ôtô, xe máy vẫn cố tình đi vào tuyến đường này. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã đặt biển cảnh báo các điểm sạt lở, dựng chướng ngại vật hạn chế phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Minh Khánh, Trưởng phòng Điều hành dự án 4 (Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan), cho biết địa bàn Đà Nẵng có 3 điểm sạt lở nặng, địa phận Thừa Thiên Huế có 5 điểm. Trong đó tại Km25+350, toàn bộ 3 mái ta luy đất đào bị hư hỏng.
Ban quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu kiểm tra, lên phương án khắc phục, trong đó quan trọng nhất là khoan thêm các điểm địa chất để lên phương án tổng thể. "Mái taluy sụt từ trên và sâu vào bên trong nên chúng tôi phải khoan thêm vài điểm trên mái taluy đó để khảo sát kỹ thế cân bằng của đất đá, tính toán việc ngả mái cho phù hợp, hoặc trải bêtông", ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, có những dự án miền núi hoàn thiện hơn 10 năm vẫn xảy ra sạt lở. "Tất cả vị trí mái taluy ở cao tốc này đã trải qua 4 mùa mưa lũ. Đợt mưa lũ vừa qua cũng là dịp thử lửa cho công trình để có giải pháp bền vững, an toàn lâu dài", ông Khánh nói, cho biết 8 điểm sạt lở trên chiều dài 62 km là không nhiều.
Tại Quảng Nam, ảnh hưởng của bão Etau, mưa lớn xuất hiện ở các huyện miền núi gây sạt lở quốc lộ 40B, 24C và Đông Trường Sơn. Trên quốc lộ 40B - tuyến đường độc đạo từ huyện Bắc Trà My đến Nam Trà My có gần 64.000 m3 đất đá ở km66+500 qua xã Trà Tân sạt lở.
Mưa lớn cũng khiến quốc lộ 24C nối huyện Bắc Trà My thông thương với tỉnh Quảng Ngãi nhiều đoạn bị sạt lở, đất đá đang đổ xuống. "Tuyến 24C được tiếp tục theo dõi, khi thời tiết và địa chất ổn định, chúng tôi sẽ cho thông xe", ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết.
Bão Molave cuối tháng 10 gây sạt lở núi tràn xuống đường tỉnh lộ, huyện lộ ở miền núi Quảng Nam. Trong đó, đường ĐH 1 từ xã Phước Kim đến xã Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phươc Sơn đã 15 ngày nhưng chưa khai thông.
"Thông tuyến được vài km thì lại xuất hiện mưa lớn, đất đá tiếp tục lở xuống. Công tác khắc phục vào hai xã cô lập gặp rất nhiều khó khăn", ông Tuấn nói và thông tin sau khi đưa xe cơ giới vào khắc phục tại khu vực giáp ranh giữa xã Phước Kim và Phước Thành thì phát hiện một đoạn 40 m bị đứt, mất nền đường.
Liên quan đến việc thông đường vào xã Phước Thành và Phước Lộc, thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Phó tư lệnh Quân khu 5 đã làm việc với Sở chỉ huy tiền phương, các sở, ngành tại huyện Phước Sơn để bàn phương án khắc phục hậu quả mưa bão sáng 13/11. Ban chỉ huy tiền phương tỉnh cùng Sở Giao thông Vận tải đề nghị Bộ tư lệnh Quân khu 5 cho nổ mìn để sớm khai thông 40 m này. Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng đồng ý và giao cho các cơ quan chuyên môn của Quân khu 5 khẩn trương làm báo cáo gửi Bộ Tư lệnh để quyết định.
Cao tốc La Sơn - Túy Loan khởi công từ năm 2015, dài 77 km, rộng 22 m, có 4 làn xe, tổng vốn xây dựng gần 11.500 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do vướng mắc mặt bằng, điều kiện thời tiết mưa nhiều nên thi công bị chậm trễ.
Nguyễn Đông - Đắc Thành