Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương đã đạt được nhiều đột phá về mảng năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Tính đến cuối năm 2020, tỉnh có 36 dự án năng lượng đã hoà lưới, phát được 4 tỷ kWh. Hai dự án có công suất lớn là thuỷ điện tích năng Bác Ái trên 1.000 MW, điện khí Cà Ná LNG 1.500 MW cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Để tiếp tục phát triển lĩnh vực này, ông Nam kiến nghị Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc thay thế công suất dự án điện hạt nhân 4.600 MW (hiện đã bị dừng chủ trương đầu tư) bằng nguồn điện khí tại dự án Cà Ná, đồng thời giao Bộ Công Thương cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Cách đây khoảng 1 tháng, Ninh Thuận đã có công văn đề nghị vấn đề này. Tại quy hoạch điện VII, Trung tâm LNG Cà Ná giai đoạn 1 có công suất 1.500 MW, tiến độ vận hành vào 2025-2026.
Bên cạnh đó, để ổn định đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư, đối với 2 vị trí đất đai chưa thực hiện nhà máy điện hạt nhân, ông Nam kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư sớm thẩm định theo báo cáo mà tỉnh đã bổ sung theo yêu cầu của Bộ. Đồng thời, ông cũng mong Thủ tướng sớm phê duyệt nội dung này vì 2 năm qua "người dân khu vực dự án rất tâm tư".
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn liên quan đến dự án điện khí LNG.
Bạc Liêu đang rất quan tâm đến dự án điện khí LNG công suất 3.200 MW với tổng số vốn đăng ký lên đến 4 tỷ USD. Đây là dự án FDI lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến nay, theo ông Thiều.
Để dự án có thể đi vào vận hành tổ máy đầu tiên, công suất 750 MW trong năm 2024, Bạc Liêu đề xuất Chính phủ dành sự hỗ trợ đặc biệt cho tỉnh và nhà đầu tư hoàn thành các hoạt động phục vụ cho giai đoạn chuẩn bị. Theo đó, tỉnh mong Bộ Công Thương có chỉ đạo hướng dẫn về nội dung hợp đồng mua bán điện (PPA) làm cơ sở cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm kết thúc đàm phán, đi đến ký kết chính thức trong quý I năm sau. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp đóng điện giai đoạn 1 vào năm 2021.
Với điện gió, ngoài 4 dự án công suất 270 MW được bổ sung vào quy hoạch hồi tháng 6, ông Thiều kiến nghị Chính phủ thêm 2 dự án của tỉnh công suất 200 MW đã đủ điều kiện triển khai và có thể đóng điện trước tháng 11/2021 vào quy hoạch điện lưới quốc gia. Bởi theo tính toán của Bộ Công Thương trước đó, nếu đầu tư đường dây 220 kV mạch kép dài 5 km đấu nối Trạm biến áp 220 kV Bạc Liêu chuyển tiếp trên đường dây 220 kV Nhiệt điện Cà Mau – Sóc Trăng, tỉnh có thể bổ sung tổng cộng 470 MW điện gió.
Ngoài Ninh Thuận, Bạc Liêu, phía Cà Mau cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế giúp tỉnh phát triển năng lượng gió, mặt trời ven biển. Hay Đắk Nông đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương sớm di dời đường dây 500 kV ra khỏi trung tâm TP Gia Nghĩa. Bên cảnh đó, tỉnh này mong Bộ xem xét, đưa vào quy hoạch, nâng cấp, mở rộng lưới điện 110kV, 220kV để nâng cao khả năng truyền tải, hấp thụ công suất các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới; Bổ sung quy hoạch điện lực quốc gia cho Đắk Nông 1 trạm biến áp 500kV để gom các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió đấu nối lên lưới điện 500kV.
Đức Minh